Từ năm 2011, sau khi đoạt giải, ý tưởng xây dựng những “Ngôi nhà 100 đồng” của Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh - Trợ lý công tác thanh niên, Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu đã được thanh niên Quân đội triển khai rộng khắp. Từ đó đến nay, hàng nghìn “Ngôi nhà 100 đồng” đã được xây dựng.
Ý tưởng về “Ngôi nhà 100 đồng”
Năm 2011, bài dự thi “Ngôi nhà 100 đồng” của Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh - Trợ lý công tác thanh niên, Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi Hiến kế tặng Đoàn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Ý tưởng về “Ngôi nhà 100 đồng” khởi thủy từ những kinh nghiệm thực tế, sự gắn bó tâm huyết với công tác thanh niên nhiều năm qua của Thượng tá Hạnh. Đó là ý tưởng về những ngôi nhà dành tặng người nghèo được xây dựng từ sự đóng góp nhỏ bé hàng ngày của mỗi đoàn viên, thanh niên. Điều khiến mọi người quan tâm tới ý tưởng này, chính là ý nghĩa xã hội sâu sắc và có tính khả thi cao.
Tháng 7/2008, anh Hạnh cùng đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu tới thăm, tặng quà mẹ Nguyễn Thị Nghĩa (mẹ của liệt sĩ) ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn của mẹ Nghĩa, anh quyết định phát động phong trào thực hành tiết kiệm trong đoàn viên thanh niên Bộ Tổng tham mưu nhằm mục đích góp tiền xây nhà mới tặng mẹ Nghĩa. Chương trình đã vận động mỗi đoàn viên thanh niên trong một tháng tự nguyện tiết kiệm 500 đồng/người/ngày, cán bộ Đoàn là 1.000 đồng/người/ngày. Cuối tháng cộng lại, số tiền “to” đến mức không ngờ: 70 triệu đồng. Cộng thêm với những ngày công tình nguyện của cán bộ, chiến sỹ, lực lượng đoàn viên Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng được một ngôi nhà tặng mẹ Nghĩa.
Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ: “Nếu mỗi thanh niên Việt Nam tiết kiệm 100 đồng/ngày thì mỗi ngày đất nước ta sẽ có thêm 10 ngôi nhà (50 triệu đồng/nhà) được gắn biển “Thanh niên Việt Nam - Ngôi nhà 100 đồng” dành tặng những hộ nghèo, gia đình chính sách, các bạn thanh thiếu niên không có nhà ở. Khi mỗi ngôi nhà được gắn biển “Thanh niên Việt Nam - Ngôi nhà 100 đồng”, nó không chỉ góp phần thực hiện an sinh xã hội mà mỗi bạn trẻ sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó”.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, có nhiều cách để mỗi ngày tiết kiệm 100 đồng: “Sau khi đọc xong một tờ báo, hãy cất đi và góp lại sau một tháng đem bán cho người thu mua giấy vụn; uống xong một lon nước hãy giữ lấy vỏ để bán; khi tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới, nên tắt máy khi đợi đèn đỏ để tiết kiệm xăng; tắt bóng điện hay vòi nước khi không có nhu cầu sử dụng; cứ ba ngày tiết kiệm một tin nhắn trên điện thoại…
Đoàn viên thanh niên tiết kiệm mỗi ngày 100 đồng là việc làm không khó. Tuy nhiên cần phải tuyên truyền sâu rộng để các bạn trẻ thấy được ý nghĩa của việc tiết kiệm tiền xây nhà tặng người nghèo, tự nguyện tiết kiệm để xây dựng “Ngôi nhà 100 đồng” với hình thức tự nguyện, không ép buộc. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ đoàn phải bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thực hiện phong trào để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao”.
Thu gom phế liệu phế thải làm nguồn nuôi “Ngôi nhà 100 đồng”. |
Ấm áp những “Ngôi nhà 100 đồng”
Quỹ “Ngôi nhà 100 đồng” được đoàn viên, thanh niên trong toàn quân hăng hái tham gia. Quỹ được đóng góp để hỗ trợ xây dựng nhà cho các đối tượng là gia đình chính sách, hộ nghèo, cán bộ, đoàn viên khó khăn về nhà ở trong cả nước và hỗ trợ phòng học tặng các cháu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Năm 2013, Ban Thanh niên Quân đội, Quân khu 1 gây quỹ xây dựng được 70 “Ngôi nhà 100 đồng”. Cuối năm 2013, căn nhà đầu tiên trong tổng số 70 căn nhà xây dựng tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng được Thượng tướng Ngô Xuân Lịch khi đó là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động khởi công.
1 năm sau, Ban thanh niên Quân đội, Quân khu 1 và chính quyền địa phương huyện Nguyên Bình cùng với các gia đình đã tổ chức thiết kế, thi công hoàn thiện 70 ngôi nhà 100 đồng, đóng góp gần 5.000 ngày công lao động. Bà Dương Thị Thom (ở xóm Nà Dủ, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) - một trong những người được tặng “Ngôi nhà 100 đồng” đợt đầu cho biết: “Nhà tôi có 5 người, cả gia đình chỉ làm ruộng. Trước đây, gia đình tôi ở trong căn nhà gỗ cũ kỹ, xiêu vẹo, trống hoác, trời mưa thì dột, mùa đông thì lạnh. Nay được bộ đội ủng hộ xây được căn nhà mới kiên cố. Mấy năm qua, Tết đến, có nhà mới, con cái có áo mới là vui nhất rồi”.
Phong trào tiết kiệm để xây dựng “Ngôi nhà 100 đồng”được triển khai tại Quân đoàn 3 từ tháng 3/2012. Mỗi tháng, mỗi đoàn viên tiết kiệm, đóng góp 3.000 đồng. Đến nay, Quân đoàn 3 đã tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng, xây dựng được 17 “Ngôi nhà 100 đồng” (mỗi căn từ 50 triệu - 60 triệu đồng, tổng trị giá là 940 triệu đồng) tặng các cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn và người có công với cách mạng.
Quân nhân chuyên nghiệp Dương Quang Phúc (Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 273) được xét tặng “Ngôi nhà 100 đồng” vào cuối năm 2015. Căn nhà ở tổ 4, phường Thắng Lợi (TP. Pleiku, Gia Lai) dù còn đơn sơ nhưng rất ấm áp. Anh Phúc quê Hà Tĩnh lấy vợ là chị Hoàng Thị Huệ quê Nghệ An. Cưới nhau xong, chị bồng bế theo anh vào Tây Nguyên ở trọ 5 năm.
Đầu tiên hai vợ chồng thuê nhà trọ tại huyện Đắk Đoa, rồi nhích dần lên thuê trọ tại TP Pleiku. Chị Huệ chưa có việc làm ổn định, lại sinh con gái đầu lòng nên cuộc sống của hai vợ chồng càng thêm khốn khó. An cư lạc nghiệp, sau khi có nhà mới, chị Huệ lại xin được việc làm. Chị đã khóc vì vui mừng mỗi khi kể về ngôi nhà mới. Năm nay, gia đình chị đón Tết vui vẻ, sung túc hơn vì thu nhập tăng, lại không mất tiền trọ.
Ở Quân đoàn 3, lực lượng quân nhân chuyên nghiệp có hoàn cảnh khó khăn (nhất là về chỗ ở) như anh Phúc còn rất nhiều. Đa số họ từ phía Bắc vào đây làm nhiệm vụ, đều lấy vợ ở quê nên khi vợ chồng đưa nhau vào đây, đa số vợ quân nhân đều không có việc làm, không có hỗ trợ từ phía người thân nên hoàn cảnh rất khó khăn. “Góp gió thành bão”, những “Ngôi nhà 100 đồng” phần nào làm ấm lòng các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu tại những nơi xa xôi, giúp họ vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những năm học trước, cơ sở vật chất của Trường Mầm non Họa Mi trên “đỉnh trời” La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) hết sức khó khăn. Tình trạng thiếu phòng học, thiếu không gian vui chơi cho học sinh làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhà trường.
Từ năm học mới 2016-2017, Trường Họa Mi đã có thêm 2 phòng học mới rộng 70m2, khang trang, kiên cố, trị giá hơn 100 triệu đồng. Đây là món quà kết quả của mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”của cán bộ, đoàn viên lực lượng vũ trang Quân khu 2 tặng thầy và trò nơi đây.
Từ năm 2014 đến nay, thực hiện mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”, tuổi trẻ Quân khu 2 đã hỗ trợ xây dựng được 4 “Ngôi nhà 100 đồng” tặng 2 gia đình người có công và các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Hà Giang và tỉnh Yên Bái.
Tháng 9 năm 2016, Ban Thanh niên Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và máy Z183 đã tổ chức khánh thành và bàn giao ngôi nhà mới cho gia đình em Vàng A Chầu (ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) - học sinh trường Hữu Nghị T78. Em Chầu là người Mông, do người Mông quen tập tục du canh, du cư, sinh sống trên núi cao nên gia đình em sống trong căn nhà lá tạm bợ. Tết này, gia đình Vàng A Chầu sẽ được đón Tết trong ngôi nhà mới, khang trang, kiên cố, ấm cúng.
Học tiết kiệm từ “Ngôi nhà 100 đồng”
Đoàn viên Trần Ngọc Thụy - Chi đoàn Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, Lữ đoàn Xe tăng 406 cho biết: “Tôi cùng đoàn viên, thanh niên đơn vị đã tiết kiệm chi tiêu, tích cực thu gom phế liệu bán lấy tiền gây quỹ... góp phần nhỏ bé của mình giúp đồng đội cũng như người dân trên địa bàn giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.
“Những năm qua, mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” đã được tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu tích cực triển khai thực hiện thông qua hình thức vận động mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiết kiệm 100 đồng/ngày; đồng thời tích cực tham gia tiết kiệm thông qua việc thu nhặt phế liệu để ủng hộ gây quỹ, xây dựng nhà mới tặng các gia đình chính sách, gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phòng học tặng các cháu học sinh”- Thượng tá Tạ Đức Hùng - Trưởng ban Thanh niên Quân khu 2 chia sẻ.
Hiện nay, tất cả các đơn vị của Quân đoàn 3 đều xây dựng các thùng rác được gọi là nguồn nuôi “Ngôi nhà 100 đồng”. Từ đây, rác và các vật liệu có thể tái chế được các đoàn viên gom lại, phân loại và tiến hành bán để nộp vào quỹ. Việc làm trên còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung. Với ý nghĩa thiết thực, phong trào đã lan rộng trong toàn Quân đoàn, kể cả lãnh đạo Bộ Tư lệnh, chỉ huy các đơn vị đều tích cực tham gia.
Thiếu tá Đặng Thành Tuyên - Trưởng ban Công tác Thanh niên Quân đoàn 3 cho biết: “Cách thức thực hiện việc tiết kiệm 100 đồng được Ban Thanh niên Quân đoàn 3 triển khai khá đa dạng. Bạn chỉ cần khi uống xong lon nước hay lon bia nhớ mang vỏ về sẽ bán được 300 đồng; một tờ báo khi đọc xong gom lại hôm sau bán giấy vụn, một vỏ bút bi đã hết mực cũng có thể bán được 100 đồng. Lúc đầu chỉ là đơn thuần tiết kiệm 100 đồng/ngày, đến nay qua việc thu gom các vật tái chế, số tiền tiết kiệm được còn nhiều hơn thế. Đây chính là nguồn quỹ để tổ chức các hoạt động Đoàn ở cơ sở”.
Những năm qua, thanh niên Quân đội đã và đang tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Thanh niên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”. Muốn làm được những điều lớn lao nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé. “Ngôi nhà 100 đồng” như nhịp cầu kết nối triệu triệu trái tim của tuổi trẻ cả nước cùng đồng lòng góp sức cùng dân tộc góp phần thực hiện an sinh xã hội và xây dựng đất nước phồn vinh.