Bất hạnh từ lúc chào đời
Anh Trung quê gốc ở xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh), sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em. Ngay từ thuở nằm nôi, cậu bé Trung đã có biểu hiện di chứng của chất độc da cam, với đôi chân yếu ớt, cánh tay trái không thể cử động được. Lớn lên, cánh tay này vẫn không phát triển, cứ teo tóp và ngày càng co quắp.
Do bị dị tật nên việc học hành vô cùng khó khăn. Một phần do hoàn cảnh gia đình, trường lớp ở xa nên anh Trung bỏ dở dang việc học ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nông. Tuy nhiên, với một người chỉ có một cánh tay, việc nhà nông trở nên nặng nhọc và khó khăn vô cùng.
Cũng như anh Trung, bất hạnh sớm gọi tên chị Thu. Lúc mới sinh ra, chị Thu trông khá bụ bẫm, nhưng dù cho cha mẹ chăm sóc chu đáo, cô bé không lớn lên được bao nhiêu. Không những vậy, Thu cứ què quặt ốm đau liên miên. Cha mẹ đưa cô đi khắp các bệnh viện, tất cả các bác sĩ đều lắc đầu bởi Thu bị di chứng của chất độc đi-ô-xin.
Mãi đến tuổi trưởng thành, cơ thể Thu vẫn như một em bé, cao chỉ 8 tấc và nặng chưa đến 25kg. Thấy mình không được như bạn bè cùng trang lứa, Thu rất buồn. Không những vậy, có một số người thấy Thu tật nguyền thì đem ra cười cợt, xem thường khiến chị càng đau khổ. Đã không ít lần Thu nghĩ quẫn, muốn tự kết liễu đời mình.
Tuy nhiên, nghĩ đến cha mẹ, những người đã không quản ngày đêm, gian khổ lo cho mình, Thu lại tự an ủi mình gắng sống để không phụ lòng cha mẹ. Bất hạnh hơn, ngay từ khi Thu còn nhỏ, mẹ của Thu lại đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cha của Thu lại bị bệnh tim nên cuộc sống gia đình đã buồn lại càng thêm túng bấn.
Vợ chồng Trung - Thu hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ |
Không đầu hàng số phận
Quyết tâm không muốn bị coi là “kẻ thừa” của gia đình và xã hội, sau khi nghỉ học phổ thông, Thu xin phép gia đình được tự ra đời mưu sinh để sống qua ngày. Bị khuyết tật nặng lại không có nghề nghiệp, chị đã chọn cái nghề bán vé số dạo trên chiếc xe lăn. Ban đầu, chị bán vé số quanh khu vực TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), cách nhà 8 cây số.
Được một thời gian, chị chuyển địa bàn xa hơn, ra TP. Đà Nẵng rồi lặn lội vào tận TP.HCM để mưu sinh. Nhờ siêng năng cần mẫn, Thu cũng tự lo được cho bản thân nhờ vào nghề bán vé số. Không những vậy, chị cũng gom góp được tiền mua một chiếc xe gắn máy 3 bánh tự chế để di chuyển thuận tiện hơn.
Có xe máy, chị nghỉ hẳn nghề bán vé số, trở về quê học nghề may với khát vọng kiếm cái nghề ổn định hơn. Hàng ngày, trên chiếc xe máy 3 bánh, chị Thu đi từ Tam Phước xuống TP. Tam Kỳ để học nghề.
Cũng như chị Thu, anh Trung không muốn mình là gánh nặng cho mọi người, anh quyết tâm tự lao động để nuôi bản thân. Nhận thấy công việc nhà nông không phù hợp với người khuyết tật, anh Trung chọn nghề bán vé số. Năm 2005, sau khi tích cóp được một ít vốn, anh Trung xin cha mẹ cho học nghề sửa chữa điện cơ.
Ngặt nỗi ở địa phương anh không có ai dạy nghề này, anh phải đi xã khác để tìm thầy học. Đường từ nhà đến nơi học nghề khá xa, các anh chị của Trung muốn thay nhau giúp đỡ Trung nhưng bản thân anh không muốn các anh chị vì mình mà bỏ bê công việc. Không có xe, anh Trung hằng ngày cuốc bộ từ Tam Lộc xuống TP. Tam Kỳ để học nghề, đoạn đường hơn 10 cây số.
Mối tình trên chiếc xe 3 bánh
Trong thời gian đi học nghề may, hằng ngày chị Thu bắt gặp một thanh niên khuyết tật đi bộ cùng tuyến đường với mình, từ xã Tam Lộc phía trên xuôi về Tam Kỳ. Sau nhiều lần đắn đo, một ngày nọ, chị Thu dừng lại giữa đường rồi mạnh dạn bắt chuyện cùng người thanh niên.
Cùng cảnh ngộ như nhau, hai con người khuyết tật nhanh chóng làm quen để rồi mỗi ngày, chị Thu đều đặn chở anh Trung về Tam Kỳ học nghề. Sau những câu chuyện dọc đường đi hàng ngày, tình cảm giữa hai ngày một nảy nở. Có những buổi chiều chủ nhật rảnh rỗi, chị Thu tranh thủ lên nhà anh Trung tập cho anh đi xe máy 3 bánh, để 2 người có thể thay phiên chở nhau đi học.
Rồi đến một ngày kia, tình cảm giữa 2 người khuyết tật vượt qua lằn ranh của tình bạn đơn thuần. Và họ đã yêu nhau. Biết chuyện tình của 2 người khuyết tật, nhiều người láng giềng vô cùng bất ngờ. Phần nhiều trong số họ thương cảm, xót xa chứ ít ai đủ dũng cảm chúc phúc cho hai người.
Thậm chí, khi nghe tin anh Trung có ý định kết hôn với chị Thu, gia đình anh Trung đã kịch liệt phản đối. Không phải họ chê bai chị Thu nhưng theo họ, 2 người cùng khuyết tật sẽ là gánh nặng cho nhau, không thể có cuộc sống hạnh phúc. Rồi họ còn lo lắng, nếu lỡ con cái sinh ra cũng bị tật như mẹ thì khổ. Thậm chí, cha mẹ Trung từng có ý định từ bỏ con nếu như Trung cứ một mực đòi lấy chị Thu.
Thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ, anh Trung kiên trì phân tích, vận động. Anh Trung đã lên tiếng bày tỏ nỗi lòng mình: "Nếu cha mẹ không cho chúng con cưới nhau thì chiếc xe Wave ba bánh sẽ là mái nhà, là hành trình của hai chúng con. Hai chúng con yêu thương nhau chân thành, đến với nhau để cùng quan tâm, chia ngọt sẻ bùi, lo lắng tương lai sau này. Xin cha mẹ đừng chia cắt".
Chính lời nói đầy cảm động, chất phác của anh Trung đã làm cha mẹ động lòng. Tháng 8/2006, một đám cưới đơn sơ đã diễn ra trong sự vui mừng xen lẫn lo lắng của đôi bên gia đình. Người dân 2 xã Tam Lộc và Tam Phước lại một phen xôn xao vì chuyện tình của cặp đôi đi trên xe 3 bánh.
Đám cưới xong, anh Trung và chị Thu mở một tiệm may và quán bán tạp hóa để kiếm sống. Ngoài ra, anh Trung còn nuôi thêm lợn gà để cải thiện thu nhập. Hai năm sau, vợ chồng anh chị sinh hạ liên tiếp được hai đứa con bụ bẫm (một trai, một gái) trong niềm vui khôn tả của hai gia đình.
Thật may mắn, cả hai đứa con của họ đều phát triển bình thường và học giỏi. Hằng ngày, người dân nơi đây lại nhìn thấy cặp vợ chồng đặc biệt này đều đặn đưa đón hai con nhỏ đi học trên chiếc xe máy ba bánh.
Mười năm trôi qua, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, đôi vợ chồng khuyết tật vẫn sống hạnh phúc bên nhau. Người dân nơi đây bắt đầu hiểu, yêu thương anh chị nhiều hơn. Họ trìu mến gọi tên câu chuyện của anh chị là tình “xe ba bánh” hay chuyện tình “Trung Thu”, bởi nó trong sáng và đẹp đẽ như trăng rằm trung thu.
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, 3 năm qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây cho vợ chồng họ một ngôi nhà tình nghĩa để có chỗ trú nắng mưa. Bên cạnh đó, anh chị đã được nhà nước xét trợ cấp theo chế độ cho người bị nhiễm chất độc màu da cam với mức 620 nghìn đồng/tháng. Riêng những đứa con của anh chị hầu như đều được miễn giảm học phí, chỉ tốn tiền ăn uống hằng ngày.
Chị Thu chia sẻ: "Có lẽ niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng tôi là hai đứa con thơ của chúng tôi không bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Nhìn chúng khỏe mạnh mà nhiều lúc chúng tôi mừng rơi nước mắt!". Khi được hỏi về ước mơ của mình, anh Trung bộc bạch, chỉ mong ước có sức khỏe để tiếp tục sống và nhìn thấy con cái trưởng thành, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.