"Đốn tim" khán giả ngoại nhưng lại "chết” trên “sân nhà”

(PLO) - 12 nghệ sĩ tự xin “về hưu non” là một nốt trầm trong bức tranh xiếc vốn chưa mấy sáng sủa. Ngoài “mất” nhân sự, ngành xiếc đang loay hoay tìm câu trả lời cho bài toán: Làm thế nào để xiếc đương đại không bị “chết” trên “sân nhà” và các tài năng có đất dụng võ?.
Tiết mục xiếc Làng tôi
Tiết mục xiếc Làng tôi
Khán giả ngoại mê - nội chê
Câu chuyện gây xôn xao trong làng văn hóa khi đồng loạt 12 nghệ sĩ của nhóm xiếc “Làng tôi” xin nghỉ việc vì nhiều lý do, trong đó có lý do “không sống được với vở diễn”. Có vẻ như ngay từ khi ra đời, “Làng tôi”- một loại hình xiếc đương đại (có sự kết hợp của cả múa, âm thanh, ánh sáng) mang hồn Việt, chất Việt - đã có số phận khá long đong. Dù được Liên đoàn Xiếc Việt Nam “chịu chơi” đầu tư nhân lực, kịch bản, trang thiết bị lên tới tiền tỷ nhưng sau 6 buổi trình làng năm 2005, khán giả chẳng mấy mặn mà, “Làng tôi” lặng lẽ… xếp xó.  
Phải 4 năm sau, “Làng tôi” gắng gượng dậy và sang nước ngoài biểu diễn. Bất ngờ là, “Làng tôi” được khán giả quốc tế chào đón như một món ăn hiện đại pha lẫn dân gian. Trong “Làng tôi”, tre và người đan kết với nhau tạo nên những động tác đẹp mắt và đầy sáng tạo của nghệ thuật xiếc như nhào lộn, đu bay, giữ thăng bằng… trên nền nhạc cụ truyền thống từ tre.  
“Tài năng, vẻ đẹp Việt”, “Khúc hoan ca của làng quê Việt”, “Kịch xiếc Việt - tiềm năng thức giấc”… là những lời ngợi khen của khán giả nước ngoài dành cho “Làng tôi”… Liên tiếp 4 năm trời, “Làng tôi” tung hoành trời Tây  trên nhiều sân khấu quốc tế tại Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Hy Lạp, Hungary, Tây Ban Nha, Hà Lan... với hàng trăm suất diễn. 
Muốn “Làng tôi” tỏa sáng tại quê hương, một lần nữa, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đưa xiếc đương đại trở lại khán giả Việt. Niềm vui chưa tày gang. Một vài buổi biểu diễn èo uột người xem khiến các nghệ sĩ cảm thấy hụt hẫng. Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra, đổi lại là những hàng ghế trống và tiếng thở dài não nề. Ít sân chơi dụng võ, nhiệt huyết nghề giảm dần cộng thêm với việc đối mặt với việc cơm áo khiến anh em nghệ sĩ chán nản. 
10 năm gắn bó với “Làng tôi” - mà giờ tự nguyện ra đi, nghệ sĩ Nguyễn Quang Thọ nói không thể khác được: “Chúng tôi làm sao chịu nổi khi hai năm qua ngày ngày vẫn đổ mồ hôi trên sàn tập để rồi mỏi mòn chờ đợi những đêm được ra sân khấu. Chúng tôi có nhu cầu được biểu diễn. Được biểu diễn thì nghệ thuật mới “sống” và nghệ sĩ cũng mới sống”. 
Có một bộ phận nghệ sĩ khi không diễn “Làng tôi” đã tham gia vào biểu diễn các tiết mục xiếc truyền thống cùng với đơn vị, nhưng số còn lại khoảng 2/3 thì cho rằng đã quá quen với kiểu diễn xiếc đương đại, quay lại diễn truyền thống họ không quen. Không muốn là những người “ăn bám”, một số nghệ sĩ xiếc đã xin “nghỉ hưu non” để tìm hướng đi mới cho riêng mình. 
Loay hoay với truyền thống - hiện đại
Một thực tế, không ít khán giả cho rằng xiếc Việt Nam cũ như mấy chục năm về trước. Các tiết mục quanh đi quẩn lại với vài con gấu, khỉ, chó đi xe đạp, chú voi lững thững đi ra đi vào, tiết mục hề ít gây tiếng cười, ảo thuật chưa xem đã biết, màn nuốt kiếm giản đơn… Để làm cuộc cách mạng, những người tâm huyết với xiếc ở Việt Nam đã đầu tư công sức, tiền bạc để “hiện đại hóa” cho  xiếc. 
Ngoài “Làng tôi”, “À Ố show” là ví dụ điển hình. “À ố show” của nhóm tác giả: Tuấn Lê, Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân Maurice, Nguyễn Tấn Lộc là loại hình nghệ thuật biểu diễn theo hình thức “kịch xiếc mới” với việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như: xiếc, kịch câm, tuồng cổ, múa, hò vè hát lý, đờn ca tài tử, vọng cổ, hip-hop… bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật. Thông qua nghệ thuật xiếc, với đạo cụ chủ yếu là cây tre và chiếc thúng làm từ tre nứa, các nghệ sĩ liên tục biến hóa, sáng tạo, dẫn người xem dạo qua các vùng quê miền Nam Việt Nam.
Cả hai chương trình xiếc này đều giống nhau là đầu tư tiền tỷ, chất lượng cao, được khán giả quốc tế chào đón nhưng khán giả Việt lại thờ ơ. “Đã có lúc đưa chương trình xiếc đương đại vào lịch diễn thường xuyên thì gặp sự phản ứng quyết liệt từ khán giả khi gu thưởng thức của khán giả lại quen với các tiết mục xiếc truyền thống, khán giả phần lớn là thiếu nhi chỉ muốn được xem xiếc thú, xiếc hề…” – là lời than thở của một người tâm huyết với xiếc. 
Xiếc truyền thống bị chê là cũ, xiếc đương đại thì khán giả chưa quen. Ngành xiếc đang loay hoay làm thế nào để “đốn tim” khán giả Việt, làm thế nào “níu” chân được những nghệ sĩ tài năng. Bài toán này không dễ tìm lời giải.