Khó khăn chồng chất khó khăn
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, nghề nuôi tôm đang nổi lên như một ngành có tiềm năng phát triển lớn nhất của ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn. Đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại buổi đối thoại các chuyên gia cho rằng, tôm nước lợ là sản phẩm có vị trí đặc biệt quan trọng đối với giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trên 3 tỷ USD, tạo ra việc làm cho khoảng 2 triệu lao động đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội nước ta.
Tuy nhiên, hiện nay một “nghịch lý” xảy ra và dường như chỉ có ở Việt Nam đó là tình trạng giá thành tôm nuôi rất cao so với một số nước cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ… giá bán cao nhưng người nuôi lại “khó giàu” vẫn “hứng” chịu nhiều rủi ro.
Cùng trao đổi về vấn đề trên, ông Benjamin Hodick, cố vấn cao cấp GIZ/ICMP cho biết, do biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng: xâm nhập mặn, hạn hán, suy giảm diện tích rừng, xói lở vùng ven biển, lũ lụt, bão… đã tác động lớn đối với ngành nông nghiệp đặc biệt là ngành nuôi tôm.
Ông Benjamin Hodick nhấn mạnh: “thách thức lớn nhất của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới chính là khi gia nhập TPP vì phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, đối mặt với rào cản kỹ thuật với việc tự do hóa thương mại và lao động trong ngành thủy sản”.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, hiện nay ngành tôm sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi chưa bền vững…Con tôm chưa được nhìn nhận đúng tiềm năng, việc phân bổ các vật tư đầu vào, cơ chế chính sách khuyến khích chưa hợp lý.
Chung tay tìm lối thoát cho con tôm
Ông Trần Đình Luân cũng cho rằng, sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp cung ứng đầu vào, doanh nghiệp sản xuất cũng như toàn thể người dân nuôi tôm là điều hết sức cần thiết đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản.
Việc làm thế nào để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tôm là ưu tiên hàng đầu của Bộ NN&PTNT, sự tham gia của các bên sẽ giúp khai thác tối đa cơ chế minh bạch thông tin đầu vào và sản xuất, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng, thể hiện nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước - tư nhân, góp phần tăng lợi nhuận bằng việc giảm chi phí đầu vào sản xuất để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam kiến nghị: Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp qua các chương trình nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan đi kèm với quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp có thể tối đa hóa các ưu đãi với người nuôi tôm. Đồng thời có các quy định và cơ chế yêu cầu các yếu tố đầu vào cho nuôi tôm phải “chất lượng” và “minh bạch”, giảm giá thành sản xuất và kiểm soát tốt an toàn thực phẩm về “kháng sinh”.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng, đến lúc cần phải phát huy lợi thế của ngành tôm Việt Nam thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng giống thức ăn là điều kiện tiên quyết để đưa ngành tôm hướng đến phát triển bền vững hơn và khẳng định lợi thế của con tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.