Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn... Cư trú chủ yếu tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) và Bảo Lạc (Cao Bằng).
Người Lô Lô luôn tự hào rằng tổ tiên họ là những người có công đầu tiên khai khẩn đất hoang ở vùng đất biên giới Tổ quốc.
Phụ nữ dân tộc Lô Lô đen tự dệt vải, nhuộm, thêu để may trang phục truyền thống. (Ảnh: Lê Hanh) |
Tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) hiện có hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô đang sinh sống. Nơi đây cũng là một điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên và những giá trị văn hoá truyền thống độc đáo của người Lô Lô.
Xóm Khuổi Khon cách TP Cao Bằng hơn 120km, cách UBND xã Kim Cúc khoảng 8km, cách trung tâm huyện Bảo lạc khoảng 16km, với cung đường chủ yếu men theo sườn núi quanh co, khúc khuỷu.
Một trong những điểm đặc biệt trong bộ trang phục của phụ nữ Lô Lô đen là họ mặc áo cổ vuông, xẻ ngực cài khuy bằng vải hoặc đồng. (Ảnh: Lê Hanh) |
Người Lô Lô ở đây thường sống tập trung, mỗi điểm nhóm từ 20 đến 25 nóc nhà. Nhà của người Lô Lô được thiết kế có hai cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa và một cửa phụ ở gian bên trái để đi ra vườn. Kiến trúc nhà ở của người Lô Lô thường chỉ làm ba gian, gỗ làm nhà là các loại gỗ tốt, chắc và bền như thông đá, sa mộc...
Điểm đặc biệt nhất của những ngôi nhà người Lô Lô là được lợp bằng loại ngói âm dương. Ngói âm dương khi lợp sẽ có một viên sấp, một viên ngửa nằm úp lên nhau. Mái ngói âm dương giúp cho ngôi nhà trở nên mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, dễ dàng thoát nước không bị ứ đọng khi trời mưa.
Người Lô Lô rất coi trọng bếp lửa, bởi đây là nơi tạo sự ấm cúng của cả ngôi nhà. Bếp lửa chính là nơi tiếp khách, nơi bàn công chuyện gia đình, thông thường mọi người ở đây không để bếp lửa tắt, lúc đun nấu sẽ ủ than dưới lớp tro để bếp luôn duy trì hơi ấm. Khi mặt trời lặn, những tia nắng cuối ngày dần tan biến thì những thành viên trong gia đình người Lô Lô sẽ cùng quây quần bên bếp lửa giữa nhà.
Bản sắc văn hoá riêng của dân tộc Lô Lô chính là những bộ trang phục truyền thống. Phụ nữ Lô Lô là mặc áo cổ vuông, xẻ ngực cài khuy bằng vải hoặc đồng. Ống tay áo được trang trí nhiều họa tiết hoa văn hoặc đính kèm nhiều miếng vải màu khác nhau. Sống lưng áo trang trí các họa tiết hình vuông nhỏ, hở bụng.
Đồng bào dân tộc Lô Lô (Bảo Lạc) dự ngày hội văn hóa. (Ảnh: Lê Hanh) |
Ngoài những bộ trang phục đặc sắc, phụ kiện của người Lô Lô cũng rất độc đáo. Những chiếc túi với nhiều hình dáng, đai đeo lưng, mũ, nón..., nhiều màu sắc rực rỡ và mỗi phụ kiện đều mang một nét đẹp riêng.
Người Lô Lô rất thích kết hợp nhiều màu sắc với nhau, vào những dịp lễ hội, đám cưới, ma chay, đầy tháng.... tất cả người Lô Lô đều mặc đẹp, mang những phụ kiện sặc sỡ thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với các sự kiện trọng đại của dân tộc.
Hiện nay, xóm Khuổi Khon đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo khách du lịch. Tại đây đã xuất hiện những homestay cùng với nhiều trải nghiệm độc đáo dành cho du khách như được ngồi vào khung cửi trực tiếp dệt vải - đây là một trải nghiệm rất thú vị đối với nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Bên cạnh đó, những món ăn độc đáo của người dân bản địa cũng khiến các du khách cảm thấy bất ngờ.
Người dân ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) dệt vải bên khung cửi. (Ảnh: Lê Hanh) |
Với những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc và cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, xóm Khuổi Khon hiện đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách muốn tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Lô Lô, khám phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành và thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng.
Theo nhiều tài liệu, người Lô Lô tại Cao Bằng sinh sống tập trung ở 2 huyện Bảo Lạc, và Bảo Lâm với dân số khoảng 2.300 người, chiếm 52,3% tổng số người Lô Lô tại Việt Nam. Người Lô Lô ở Việt Nam có quan hệ mật thiết với người Di ở Trung Quốc. Người Lô Lô đến Việt Nam đầu tiên tại vùng Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) và Phong Thổ (Lai Châu), sau đó một bộ phận ở Hà Giang chuyển sang huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.