Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sản phẩm gốm mỹ thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, đặc biệt là các tượng Phật hoặc hình tượng tranh Tứ Quý, Tứ Bình, Tứ Thời, Bát Tiên hoặc tranh dân gian. Hàng ra lò xuất cảng qua Pháp, Mỹ và không ít nước khác, bởi gốm mỹ nghệ Biên Hoà được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, nhờ sắc thái men trầm lắng, đậm nét cổ kính phương Đông
Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm

Vùng đất của nghề gốm

Nghề thủ công và buôn bán là hoạt động kinh tế quan trọng và là sở trường của nhóm cư dân người Việt - Hoa ở đất Biên Hòa. Sau nhiều biến cố, đến thế kỷ XIX, thương cảng Cù lao Phố tuy không còn tấp nập và sầm uất như trước, nhưng vẫn là một đầu mối thương mại lớn của khu vực. Mặt khác, bên cạnh thương cảng Cù lao Phố, trên toàn tỉnh Biên Hòa lúc này có 18 chợ trong tổng số 93 chợ trên toàn Nam kỳ lục tỉnh vào năm 1851 được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại trong sách Đại Nam nhất thống chí.

Một góc gốm Biên Hòa

Một góc gốm Biên Hòa

Nghề làm gốm là nghề truyền thống ở Biên Hòa. Theo lịch sử khảo cổ của Đồng Nai, những cư dân cổ trên vùng đất này đã biết đến việc làm gốm, đáp ứng cho việc sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, nghề gốm chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ của cộng đồng xóm ấp, làm ra những vật dụng nồi, niêu, trã, trách...

Nhưng phải đến khi lưu dân Việt từ Đàng Ngoài, xứ Ngũ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Đức) và cả cư dân Hoa trong nhóm Trần Thượng Xuyên đến Đồng Nai - một vùng rất nhiều nguyên liệu đất sét và các loại phụ nhũ từ đất - nghề gốm đất Đồng Nai mới thật sự phát triển. Những nhu cầu chế tác gốm phục vụ cho xây dựng, trang trí... chỉ đòi hỏi khi cuộc sống ổn định, dư dả. Trong nội tại của nghề gốm mỹ thuật, nó mang những yếu tố Việt, Hoa và bản địa.

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa đánh dấu son cho bước phát triển của lịch sử gốm Đồng Nai (Ảnh: đài phun nước Quảng trường Sông Phố trước tòa nhà UBND tỉnh Đồng Nai)

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa đánh dấu son cho bước phát triển của lịch sử gốm Đồng Nai (Ảnh: đài phun nước Quảng trường Sông Phố trước tòa nhà UBND tỉnh Đồng Nai)

Theo tập khảo cứu “Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” năm 1998,dấu tích của nghề gốm ngày nay còn tìm thấy ở cù lao Phố (rạch Lò Gốm) và các vùng ở ven sông Đồng Nai, chủ yếu là các phường Bửu Hòa, Tân Vạn. Ngoài những sản phẩm như lu, vò, đôn cung cấp cho người dân trong vùng, nó còn đáp ứng cho các nơi khác. Sản phẩm gốm là hàng hóa được bán cho các vùng khác ở Nam kỳ lục tỉnh - nhất là mặt hàng lu mà khu vực miền Tây hay sử dụng để đựng nước. Đặc biệt, khi thương cảng Cù lao Phố nhiều tàu thuyền nước ngoài đến mua bán, sản phẩm của gốm Biên Hòa đã vượt ra khỏi phạm vi ranh giới lãnh thổ, trở thành mặt hàng xuất khẩu bên cạnh các loại thổ sản, nông sản khác.

Những sản phẩm gốm xưa ở Biên Hòa ngày nay chỉ còn ở các di tích thờ tự, tín ngưỡng, một số nhà người dân hay một số công trình công cộng. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa đánh dấu son cho bước phát triển của lịch sử gốm Đồng Nai. Đây là sự biểu hiện sinh động của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện tại, giữa Đông và Tây - kết quả của sự giao lưu văn hóa.

Trường nghề đầu tiên của đất Nam kỳ

Nghề gốm ở Đồng Nai từ dân dã, manh mún đi đến chính quy với sự chuyển giao kỹ thuật công nghệ (Trường Mỹ nghệ Biên Hòa) là một bước tiến lớn. Từ đây, nghề gốm càng phát triển, với sự uyển chuyển, linh hoạt trong những điều kiện khác nhau, đáp ứng được những yêu cầu bằng các sản phẩm dân dụng, mỹ thuật, công nghiệp.

Thầy cô và học sinh Trường Dạy nghề Biên Hoà những năm 1930 (nguồn: Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Thầy cô và học sinh Trường Dạy nghề Biên Hoà những năm 1930 (nguồn: Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà (École D’Art Bienhoa - còn được cư dân gọi là Trường Bá nghệ Biên Hòa) thành lập vào năm 1903, là một trong những trường dạy nghề đầu tiên của đất Nam kỳ. Khởi đầu, trường có các ban: Vẽ - Trang trí, Điêu khắc - Chạm trổ, Đan lát, Nắn đắp tượng, Xây đồ sành sứ, Đổ thuỷ tinh, Đúc đồng, riêng ban Gò, Hàn sắt và đóng móng ngựa đến 1905 mới thành lập. Năm 1907, Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà chính thức lập thêm Ban Gốm mỹ thuật. Năm này số học sinh tăng lên 118 người.

Một lớp học gốm xoay tay (Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Một lớp học gốm xoay tay (Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Một cột mốc đáng chú ý là vào năm 1923, Chính phủ Pháp bổ nhiệm hai vợ chồng người Pháp, ông Robert Balick, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật trang trí Paris và người vợ, bà Marie Balick, tốt nghiệp Trường gốm Limoges-Pháp, đến quán xuyến Trường Mỹ nghệ Biên Hoà. Ông Balick làm hiệu trưởng và bà Balick giữ vai phụ tá, trực tiếp phụ trách Ban Gốm mỹ thuật (có 12 học trò). Thời gian này trường đổi tên là Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hòa (École des Arts Appliqués Bienhoa).

Sản phẩm gốm Mỹ thuật Biên Hoà vốn đã nổi tiếng vào thời điểm nói trên, càng nổi tiếng thêm, nhờ các tay thợ lành nghề, bậc thầy, đã góp nhiều công sức trong việc tạo mẫu mã, biến chế men và nhiệt tình đào tạo nhiều thế hệ kế tiếp. Mười năm sau, khoảng 1933, trường thành lập Hợp tác xã Gốm, thu nhận các cựu học viên đã tốt nghiệp, ở lại trường, chuyên lo việc sản xuất.

Ông bà Balick – Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Biên Hoà (nguồn ảnh: gia đình ông bà Balick ở Pháp cung cấp).

Ông bà Balick – Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Biên Hoà (nguồn ảnh: gia đình ông bà Balick ở Pháp cung cấp).

Những sản phẩm hoàn hảo, sẵn sàng tung ra thị trường thường phải qua các giai đoạn: chọn lọc đất, nắn, phơi, vẽ, khắc, chấm men, kiểm soát trước khi cho vào lò nung, hầm đúng độ nóng, trong thời lượng ấn định… Hàng ra lò được chở ra phòng trưng bày tại Biên Hòa hoặc xuất cảng qua Pháp, Mỹ và nhiều nước khác. Gốm mỹ nghệ Biên Hoà được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, nhờ sắc thái men giản dị, trầm lắng, đậm nét cổ kính phương Đông

Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, một số thợ của Hợp tác xã Gốm có điều kiện tài chính, lần lượt tách ra, mở xưởng gốm mỹ thuật riêng ở Tân Vạn, Hoá An (Biên Hòa, Đồng Nai), Tân Đông Hiệp (Dĩ An, Bình Dương). Sản phẩm xuất xưởng những nơi này bán rất chạy, không ít thương lái thu gom xuất cảng ra nước ngoài.

Đến năm 1960, Trường Mỹ Nghệ Thực hành Biên Hoà lại tiến thêm một bước nữa là cho áp dụng đổ khuôn theo sự hướng dẫn của của các cố vấn người Nhật Bản, giúp cho mức độ sản xuất tăng nhanh, đặc biệt là đổ khuôn các tượng.

Màu men “vert de Bienhoa”

Nét đặc biệt của gốm mỹ nghệ Biên Hoà là men tự chế. Trở lại vào thập niên 30 của thế kỷ XX, lúc đầu, khi mới nhận Ban Gốm mỹ thuật, Bà Marie Balick dùng nước men của Pháp, nhưng loại men nầy không phù hợp với gốm Đông phương. Sau đó, bà lập một nhóm nghiên cứu loại men mới với những nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam, như: đá trắng An Giang, vôi Càn Long, tro rơm, tro củi, thuỷ tinh, đá ong mạt đồng và bột màu để tạo màu lên men. Bà Marie Balick đã có nhiều sáng kiến thay đổi các mẫu mã và cải biến nước men từ tro pha với mạt đồng tạo màu xanh đồng “vert de Bienhoa” đẹp nổi tiếng thế giới, không thua màu xanh Islam trong kiến trúc đạo Hồi.

Gian hàng Gốm Biên Hoà tết Nhâm Tỵ 1972 (nguồn: Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Gian hàng Gốm Biên Hoà tết Nhâm Tỵ 1972 (nguồn: Nguyễn Minh Anh sưu tầm).

Người phụ nữ này cũng cho đi tìm những nguồn đất ở vùng Đất Cuốc (Tân Uyên, Bình Dương) và vùng Chánh Lưu (Thủ Dầu Một, Bình Dương), đây là loại đất chịu lửa tốt, thích hợp cho việc làm gốm mỹ thuật. Chưa hết, bà còn chế ra một loại men đá đỏ rất đẹp và chịu lửa đến 1280 độ, chế biến từ đá ong, giúp hạn chế được sự biến dạng màu sắc và những vết nứt trên men khi nung.

Nhiều người cho rằng, gốm Cây Mai, gần chùa Cây Mai hoặc khu Lò Gốm (bây giờ thuộc Quận 6, TP HCM), gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Biên Hoà đã tạo nên một phong cách gốm Nam Bộ. Nhưng thực tế chỉ đúng một phần, đó là phần gốm gia dụng, thí dụ: gốm Cây Mai chuyên sản xuất nồi, siêu, trách, trả…; gốm Lái Thiêu chuyên làm chén, bát, đĩa, muỗng…riêng gốm Biên Hoà làm lu, khạp, ảng cả chén bát (các lò lu ở xã Hoá An, Tân Vạn) là những sản phẩm gốm bình dân nhằm đáp ứng cho đời sống hằng ngày….Còn gốm mỹ thuật, gốm cao cấp mang tính nghệ thuật và trang trí, đầu tiên ở Nam Bộ chỉ có ở Biên Hoà.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai vẫn luôn là cái nôi đào tạo đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai vẫn luôn là cái nôi đào tạo đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao

Theo sự sắp xếp của người Pháp, Trường Mỹ Thuật Gia Định chuyên vẽ và trang trí, Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà chuyên gốm mỹ thuật và đúc đồng, Trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một (Bình Dương) chuyên về điêu khắc trên gỗ… Cho nên, nói về gốm mỹ thuật chỉ có Biên Hoà, bằng chứng trong những lần triển lãm trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới chỉ có sản phẩm mỹ nghệ Biên Hoà trưng bày, tuyệt nhiên không có gốm Cây Mai hay Lái Thiêu tham dự.

Sản phẩm gốm mỹ thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, ngoài các hũ, bình, đĩa, chén…với chất men trắng sữa hoặc trắng ngà thanh thoát, hoặc các tượng Phật hoặc hình tượng tranh Tứ Quý, Tứ Bình, Tứ Thời, Bát Tiên hoặc tranh dân gian với chất men xanh lục đồng, màu cổ kính, trầm lắng. Qua bàn tay nghề điêu luyện của các bậc thầy thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, luôn có sáng kiến tạo mẫu mã và biến chế màu men thích hợp cho từng loại sản phẩm như đôn voi, đôn tròn, chậu hoa, tượng… và từng ồ ạt xuất cảng ra nước ngoài vào thập niên 60 và đầu 70 của thế kỷ XX.

Sản phẩm gốm mỹ thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, ngoài các hũ, bình, đĩa, chén…

Sản phẩm gốm mỹ thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, ngoài các hũ, bình, đĩa, chén…

Cho đến ngày nay, gốm Biên Hòa trải qua hàng trăm năm, lúc thăng, lúc trầm vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng phục vụ nhu cầu đa dạng của cuộc sống hiện đại, đáp ứng cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở đương đại từ những đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ gốm, đem đến những giá trị mới cho một dòng gốm truyền thống độc đáo của vùng đất Nam Bộ.

Sản phẩm gốm mỹ thuật và đúc đồng của Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà được đưa qua triển lãm ở Pháp vào năm 1922 và được nổi tiếng từ đó. Sau sự kiện này, nhiều nước trên thế giới mời gốm mỹ thuật Biên Hòa tham dự triển lãm quốc tế ở Pháp vào những năm 1925, 1933; tại Saint Denis (Reunion-thuộc Pháp) năm 1938; tại Batavia (Indonesia) năm 1934; tại Hà Nội năm 1938; tại Nayoga (Nhật Bản) năm 1937; tại Băng Kok (Thái Lan) năm 1955; tại Phnompenh (Campuchia) năm 1956; tại Mỹ năm 1958… Gốm mỹ thuật Biên Hòa luôn được nhận huy chương vàng và bằng danh dự.

Đọc thêm