Đầu tháng 11/2024, UBND TP Huế đã tổ chức khởi công trùng tu ngôi nhà rường cổ của hộ gia đình bà Phạm Thị Diệu Liên tại số 77B, Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), với kinh phí 1 tỷ đồng do Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế (BQL) làm chủ đầu tư. Đây là nhà rường đầu tiên được triển khai tu bổ, chống xuống cấp trong đề án này.
Nhà rường trên được xây dựng năm 1914 với lối kiến trúc nhà 2 tầng 2 gian thu hồi bít đốc. Trải qua hơn 110 năm, nhiều hạng mục ngôi nhà như bộ khung gỗ, hệ xương đỡ mái, mái ngói… xuống cấp hư hỏng nặng, được phân loại nhà rường loại 1 trong đề án.
Việc triển khai tu bổ, chống xuống cấp nhà rường nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị đặc trưng của nhà rường cổ Bao Vinh. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả khai thác kinh tế tại phố cổ. Đồng thời, lan tỏa ý thức bảo vệ các công trình nhà cổ, tạo sự đồng thuận và tự nguyện tham gia đề án của các chủ nhà vườn, nhà rường, góp phần bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa Huế.
Tại huyện Phong Điền, trải qua biến động lịch sử và thiên tai, nhiều nhà rường cổ ở làng Phước Tích (xã Phong Hòa) bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó một số nhà có nguy cơ sụp đổ. Làng cổ Phước Tích hiện còn 26 ngôi nhà cổ từ 120 - 150 năm tuổi.
Trước nguy cơ hệ thống nhà rường độc đáo ở đây bị “xóa sổ”, năm 2015, Thừa Thiên Huế thực hiện Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, nhà rường cổ”. Đến nay, làng Phước Tích có 20/26 nhà rường cổ được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo với kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, việc “hồi sinh” các nhà rường cổ trước nguy cơ “xóa sổ” đã tác động kịp thời, hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng người dân làng cổ Phước Tích và chính quyền địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di sản của làng cổ hơn 500 năm tuổi.
Bên cạnh những ngôi nhà rường cổ nằm trong đề án, thời gian qua có nhiều chủ nhà vườn tại địa phương cũng đã tự đầu tư, tu bổ nhà vườn. Điển hình như nhà vườn của gia đình ông Phạm Đăng Thiêm tại số 6 Kim Long, phường Kim Long (phủ thờ Đức Quốc Công). Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, chủ nhà vườn này đã tự trùng tu, tôn tạo công trình và hiện đã hoàn thành công tác trùng tu, giúp bảo tồn, chống xuống cấp công trình.
Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, ngoài các đề án tu bổ, tôn tạo các nhà rường kể trên, hiện BQL đang phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan triển khai hỗ trợ tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn của một số nhà vườn ở địa bàn.
Đồng thời hỗ trợ cải tạo, nâng cấp nhà vườn, nhà rường phục vụ lưu trú; đào tạo nghề, truyền nghề, tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng tua tuyến, quảng bá du lịch cộng đồng tại các phường Kim Long, Thủy Biều, là nơi có nhiều nhà vườn, nhà rường cổ.
“Việc đầu tư, tu bổ chống xuống cấp các ngôi nhà vườn, nhà rường cổ là việc làm cần thiết nhằm gìn giữ, bảo tồn những giá trị đặc trưng của nhà vườn Huế. Từ đó góp phần phát huy hiệu quả khai thác kinh tế du lịch nhà vườn Huế, tạo được sự đồng thuận và hình thành ý thức tự nguyện của các chủ nhà vườn khi tham gia vào đề án”, ông Song nói.
Từ nay đến hết 2026, dự kiến TP Huế sẽ tiếp tục khởi công trùng tu thêm 6 ngôi nhà rường cổ trong danh mục đề án tại phố cổ Bao Vinh.