Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra đảm bảo hiệu quả trong công tác đấu giá tài sản là nâng cao tính chuyên nghiệp của đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá, coi đây là một nghề đặc thù với các chuẩn mực cao.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đánh giá về thực trạng chất lượng hoạt động của đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá hiện nay cũng như giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện nay, chúng ta có 1.200 đấu giá viên và kết quả thực hiện tương đối tốt.
“Trong thời gian 5 năm (2018-2022), tổng số cuộc đấu giá thành là 151.000/201.000. Tổng giá khởi điểm là 416.000 tỷ đồng. Tổng số giá bán được qua đấu giá tài sản là 526.000, chênh lệch so với giá khởi điểm là 110.000 tỷ, lấy số tròn. Nếu chúng ta suy ra đây là bán đấu giá tài sản công, tài sản Nhà nước thì một sự đóng góp có thể lượng hóa được rất rõ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thừa nhận vẫn còn có những việc này việc khác, trong đó có câu chuyện về năng lực của đấu giá viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định vấn đề này sẽ cố gắng để xử lý trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, như nâng cao tính chuyên nghiệp; đề ra một số tiêu chuẩn bắt buộc hơn, chặt chẽ hơn, kể cả trong quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá…
Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy hạn chế bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về những định hướng, nội dung sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác này.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thời gian qua có một số vi phạm như thông đồng dìm giá, “quân xanh - quân đỏ”; hành nghề đấu giá, năng lực của đấu giá viên hạn chế.
Bộ trưởng thông tin, trong 5 năm 2018-2022, Bộ Tư pháp thực hiện tổng số là 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản, tổng mức phạt vi phạm là gần 2 tỷ đồng. Cũng có một số trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra và truy tố các đấu giá viên.
Nêu định hướng sửa Luật Đấu giá, Bộ trưởng nhấn mạnh việc siết chặt một số quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách nhà nước; tăng cường năng lực và cố gắng chuyên nghiệp hóa hơn nữa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù và phát triển đấu giá trực tuyến…
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường. Đấu giá còn xảy ra tình trạng ép giá hoặc thổi giá; năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá còn hạn chế.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin, ở nước ta có hơn 90% hoạt động đấu giá là tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo Bộ trưởng, giá khởi điểm không phải là công việc của Luật Đấu giá tài sản, vì Luật Đấu giá tài sản là luật về hình thức, cho nên giá khởi điểm vẫn phải xử lý trong pháp luật về đất đai.
“Câu chuyện này chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý ở trong Luật Đất đai sắp tới. Còn tình trạng quân xanh, quân đỏ thì có nhưng không phải nhiều lắm, chỉ là ngoại lệ. Trong dự thảo Luật Đấu giá lần này chúng tôi có căn chỉnh để làm tốt hơn và siết chặt hơn các các điều kiện tham gia”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) nhận định, đấu giá trực tuyến là hình thức hiệu quả để đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm nguồn lực, chi phí của hoạt động đấu giá. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết các công việc mà Bộ Tư pháp đã để thực hiện đấu giá trực tuyến trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận, đấu giá trực tuyến là giải pháp tốt để hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch. Một số tổ chức đấu giá tài sản tư đã có trang đấu giá và cách thức đấu giá trực tuyến riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới tính tới vấn đề này.
“Vừa qua, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 62, chúng tôi đã đưa vào một ý quy định về hình thức đấu giá trực tuyến để chi tiết hóa và xây dựng một trang, thậm chí là một cổng đấu giá trực tuyến theo yếu tố lựa chọn nhưng hiện có khó khăn là kinh phí theo hướng nào, quản lý ra sao, đặc biệt là trong cơ chế tự chịu trách nhiệm và cơ chế quản lý thị trường như hiện nay”, Bộ trưởng nói.
Dẫn kinh nghiệm quốc về đấu giá trực tuyến, như ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Tư pháp cho biết đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá để xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử đấu giá.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) và đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) về tình trạng nợ và chậm văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc nợ và chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định nhưng năm 2021 nhiều hơn 6 văn bản so với năm 2022. Về cơ bản, tình trạng chậm, nợ văn bản là điều được khẳng định.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu một số điểm mới, như Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành. Bộ trưởng cũng cho biết, Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm là công cụ rất mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần luật hóa những vấn đề theo quy định phải đưa vào trong luật như các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách, phân bổ kinh phí.