Tạo đột phá từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Phước An
Thay mặt nhóm nghiên cứu phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tấn Đức cho rằng: Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế giai đoạn từ 2025 – 2030, Đồng Nai nên tận dụng tối đa lợi thế từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Phước An nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo nghiên cứu của đề tài, Đồng Nai cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, cùng các lĩnh vực dịch vụ trọng điểm như logistics, giáo dục, y tế và du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm giao thông, logistics, khoa học công nghệ và đào tạo của vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, hạ tầng của Đồng Nai cũng cần được phát triển theo mô hình thông minh và đồng bộ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Song song đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, huy động đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (PPP), thúc đẩy phát triển giao thông thông minh và năng lượng tái tạo
Quan trọng hơn, nghiên cứu cho rằng Đồng Nai cần cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế hiện đại và bền vững; đẩy mạnh ứng dụng năng lượng tái tạo trong giao thông như đèn tín hiệu năng lượng mặt trời, xây dựng trạm sạc xe điện và khuyến khích phương tiện giao thông xanh như xe buýt điện, xe đạp, các giải pháp vật liệu thân thiện môi trường.
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh doanh - ĐH Kinh tế TPHCM cũng đưa ra những bức tranh tổng quan cho Đồng Nai về tính kết nối của hạ tầng giao thông, quy hoạch cụ thể về đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt.. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của định hướng liên hoàn giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, đặc biệt chú trọng kết nối sân bay Long Thành với khu công nghiệp, cảng biển và trung tâm thương mại. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh giao thông công cộng xanh, áp dụng công nghệ thông minh (ITS, IoT, AI) để tối ưu quản lý, giảm ùn tắc và đảm bảo phát triển bền vững.
![]() |
Ông Võ Tấn Đức - UVTV - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng đề tài . Ảnh: Tiến Dũng |
"Tỉnh cũng cần chú trọng phát triển hạ tầng xung quanh sân bay Long Thành để hình thành "Thành phố sân bay," thu hút đầu tư và phát triển logistics." - nghiên cứu khẳng định.
Xây dựng hệ sinh thái số toàn diện, thúc đẩy kinh tế số
Đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, Nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh doanh - ĐH Kinh tế TPHCM chỉ ra rằng Đồng Nai cần định hướng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Ứng dụng công nghệ số giúp tối ưu chuỗi cung ứng, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, kết nối các hạ tầng giao thông, năng lượng,... tạo hệ sinh thái kỹ thuật số hoàn chỉnh, góp phần tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế toàn diện.
Hệ thống công nghệ thông tin cần được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu số hóa trong giáo dục, y tế và dịch vụ công. Trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán đám mây được nâng cấp nhằm tăng cường bảo mật, hiệu quả lưu trữ và xử lý dữ liệu. Ngoài ra, Đồng Nai cũng phải chú trọng xây dựng hệ sinh thái số toàn diện, thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng kỹ thuật số được đầu tư mạnh mẽ, mở rộng Internet đến vùng nông thôn, đảm bảo an toàn thông tin và thu hẹp khoảng cách số.
![]() |
GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh - Đại học Kinh tế TP.HCM - Chủ nhiệm đề tài |
Trong kế hoạch phát triển Đồng Nai đã được các nhà khoa học chỉ ra, hạ tầng viễn thông của tỉnh sẽ được đầu tư để phủ sóng Internet tốc độ cao và mạng 5G tại các khu vực trọng điểm. Hệ thống bưu chính được tối ưu hóa để đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử, nâng cao tốc độ và tiện ích giao nhận. Chuyển đổi số trong quản lý bưu chính viễn thông giúp tăng hiệu quả, minh bạch và bảo mật thông tin người dùng. Ngoài ra, tỉnh cũng cần đẩy mạnh các dịch vụ viễn thông sáng tạo như IoT, viễn thông vệ tinh, hỗ trợ nông nghiệp thông minh và quản lý đô thị, góp phần xây dựng nền kinh tế số bền vững.
Một trong những tiềm năng cho sự phát triển của Đồng Nai cũng đã được các nhà khoa học chỉ ra đó là vấn đề năng lượng. Theo đó, Tỉnh cần tập trung vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và sinh khối nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng và phù hợp với xu hướng tăng trưởng bền vững.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội nghị . Ảnh: Cao Thi |
Lưu ý tập trung đầu tư vào hạ tầng lưu trữ và phân phối năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, giảm rủi ro do biến động năng lượng. Các chính sách về năng lượng tái tạo được triển khai nhằm khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tạo điều kiện phát triển một hệ thống năng lượng hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài..