Văn bản ký ngày 25/8, UBND tỉnh chỉ rõ, hiện một số đơn vị, kể cả tại cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục, trường học, công ty, doanh nghiệp một số đơn vị tự xác định giá trị sử dụng của bản sao có chứng thực chỉ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày cấp bản sao có chứng thực, không chấp nhận việc sử dụng bản sao điện tử. Việc làm này là chưa đúng quy định pháp luật về chứng thực, tạo thêm áp lực công việc cho đội ngũ công chức tư pháp cấp xã trong thực hiện thủ tục cấp bản sao chứng thực (nhất là vào các đợt nộp hồ sơ tuyển sinh, nhập học, tuyển dụng lao động...), đồng thời, gây khó khăn cho người dân, tăng thêm chi phí về thời gian và đi lại, gây lãng phí cho xã hội.
Hình minh họa |
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, pháp luật chứng thực không quy định về thời hạn giá trị sử dụng bản sao có chứng thực, bản sao điện tử. Do đó, bản sao có chứng thực, bản sao điện tử chỉ hết giá trị và không thể sử dụng khi việc chứng thực bản sao đó không đúng quy định pháp luật hoặc bản chính đã có sự thay đổi thông tin, nội dung. Bản sao có chứng thực có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do đó UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị giám sát chặt chẽ cách thức tiếp nhận hồ sơ của công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương tại bộ phận “một cửa”, chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực.
UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động chứng thực của Phòng Tư pháp, UBND cấp xã, các tổ chức hành nghề công chứng. Đồng thời thực hiện kiểm tra công vụ và kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.