Người dân “đứng ngồi không yên”
Ở huyện Thống Nhất, nơi có tổng đàn heo lớn nhất của Đồng Nai lại nằm trên các trục giao thông quan trọng, bao gồm cả quốc lộ 1 và quốc lộ 20 đều là những tuyến vận chuyển heo theo trục Bắc – Nam nên nguy cơ nhiễm bệnh cho những vùng chăn nuôi heo trên địa bàn càng cao.
Ông Nguyễn Chí Dũng, người chăn nuôi heo ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất như đang “ngồi trên đống lửa” khi nghe thông tin dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Những ngày qua, gia đình ông tăng cường phun xịt thuốc khử trùng xung quanh trang trại nuôi heo, rải vôi cả trên đường dẫn vào khu chăn nuôi. Cẩn thận hơn, ông Dũng thường xuyên kiểm tra sức khỏe cả đàn heo để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ huyện Thống Nhất) cho biết, đàn heo 1.700 con của gia đình phải gần 1 tháng nữa mới đến ngày xuất chuồng. Vì vậy, khi nghe có dịch bệnh gia đình bà rất lo lắng, hoang mang. Bởi nếu đàn heo nhà nếu lỡ dính dịch thì công chăm sóc và bao nhiêu tiền của bấy lâu đầu tư vào có thể mất trắng.
Theo bà Hoa, chính quyền địa phương liên tục cho phát thanh, tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi. Trước diễn biến khó lường của dịch, gia đình bà Hoa cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác đang ra sức phòng chống dịch, cách ly và khử trùng, cho heo ăn đúng chế độ để đảm bảo an toàn cho cả đàn, chờ ngày xuất chồng.
Còn anh Minh Hưng (huyện Trảng Bom), người đang nuôi đàn heo 2.500 con cũng lo lắng khi hàng ngày số lượng lợn bị nhiễm bệnh dịch tả phải tiêu hủy gia tăng liên tục. Anh Hưng cho biết, gia đình anh và các trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai thua lỗ từ 2 năm trước khi giá lợn xuống mức thấp nhất. Hiện nay, giá heo vừa lên nên người chăn nuôi đang hy vọng lãi cao sẽ trả được nợ ngân hàng nhưng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, anh lại sợ gia đình vỡ nợ.
Tập trung phòng, chống dịch
Trước diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi (ASF), mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã họp khẩn để bàn kế hoạch phòng, chống bệnh dịch và ra quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 20 và quốc lộ 1A để kiểm soát việc vận chuyển heo qua địa bàn nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh ASF từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn Đồng Nai.
Tại Trạm kiểm dịch động vật Ông Đồn trên quốc lộ 1A, lượng xe chở heo trung bình khoảng 10 xe/ngày với số lượng hơn 1.500 con. Những ngày qua, trạm đã huy động toàn bộ nhân lực, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để xử lý các xe chở động vật có dấu hiệu vi phạm.
Trưởng trạm Phạm Mạnh Hùng cho biết ngay sau khi miền Bắc xuất hiện các ổ dịch AFS, trạm đã tăng cường toàn bộ lực lượng để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát xe chở heo qua trạm. Trong đó, kiểm soát việc thực hiện kiểm dịch, xuất xứ, nguồn gốc và kiểm tra từng con heo về các dấu hiệu của bệnh AFS.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết tổng đàn heo của Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước với khoảng 2,4 triệu đầu con. Để phòng bệnh, trước mắt, hiệp hội khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho heo, vệ sinh khử trùng quanh khu vực, giữ cho đàn heo có sức khoẻ tốt; không sử dụng các loại thức ăn trôi nổi trên thị trường, không mua bán lợn chết, hoặc có triệu chứng mắc bệnh.
Trao đổi với PLVN, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và thú ý Đồng Nai Trần Văn Quang thông tin, ngay khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở miền Bắc, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức tuyên truyền cho người dân biết dịch bệnh để phòng tránh. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức cuộc họp nhằm đề ra các giải pháp ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh.
“Đến nay, các cơ quan chuyên trách của tỉnh và huyện tiếp tục kiểm soát chặt các tuyến đường vận chuyển heo từ phía Bắc vào; tiến hành các đợt tiêu độc khử trùng trong phạm vi toàn tỉnh; siết chặt hoạt động các cơ sở giết mổ. Trong trường hợp phát hiện ổ dịch, lập tức tiêu hủy ngay đàn heo nhiễm bệnh và những đàn nuôi ở khu vực xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh” – ông Quang nhấn mạnh.
Không nên tẩy chay thịt heo an toàn
Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi xuất hiện có chiều hướng lan rộng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành công văn với nội dung: tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Văn bản cũng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.