Đồng Nai phải chủ động ngay từ đầu, không để dịch xâm nhập

(PLVN) - Đồng Nai nằm sát TP HCM, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có bến cảng, giao thương lớn với Bình Dương,… nếu để dịch bệnh COVID-19 xâm nhập sẽ “cực kỳ khó khăn”, do đó tỉnh phải chủ động ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn.
l Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.
l Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sáng 24/6.

Nguy cơ lớn vì đông công nhân

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 35 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca mắc trong đợt này liên quan đến các ổ dịch ở TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương. Hiện, các lực lượng phát hiện 500 trường hợp F1; 2.000 trường hợp F2.

Với đặc thù có mối liên hệ mật thiết với TP HCM và tỉnh Bình Dương, nơi có số lượng ca mắc Covid-19 lớn, do đó, khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Nai rất lớn. Trong khi đó, Đồng Nai có tới 1,2 triệu công nhân, trong đó có 600.000 người làm việc trong các khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định, với số lượng công nhân đông, nguy cơ lớn, thời gian qua, các lực lượng của Đồng Nai đã gồng mình chống dịch. Tỉnh hoàn toàn không có tư tưởng “ngăn sông, cấm chợ”, hàng hóa vẫn liên thông. Các doanh nghiệp đến làm việc đều đề nghị tỉnh phải cố giữ, bởi nếu để dịch xâm nhập là đứt gãy chuỗi sản xuất, doanh nghiệp nguy cơ phá sản.

Trước sức ép từ các địa phương lân cận, trong thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện những ca bệnh xâm nhập, tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Y tế ưu tiên vaccine để địa phương tiêm cho công nhân; có cơ chế phối hợp với các địa phương lân cận (TP HCM, Bình Dương) để hạn chế người di chuyển tránh lây lan giữa các địa bàn…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nêu rõ, nguồn xâm nhập, nhưng với đặc thù là địa bàn giáp ranh với nhiều địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ trong thời gian tới là rất cao. Do đó, Bộ phân công Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn Đồng Nai trong việc chuẩn bị cơ sở hồi sức, hỗ trợ cho tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu khi có trường hợp nặng, phải sử dụng các hệ thống hồi sức; điều 1 máy thở ECMO cho Đồng Nai để tỉnh sớm triển khai khu hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng với số lượng từ 10-20 giường và tăng lên 50 giường trong thời gian tới.​

Kiểm soát chặt nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh phải tiếp tục tập trung ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn. “Chúng ta kiểm soát chặt không phải là “ngăn sông, cấm chợ”, mà cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người di chuyển từ các địa phương có dịch, nhất là công nhân, lái xe chở hàng, lái xe đường dài, người đi áp tải hàng hóa… từ các địa phương có dịch đi ra phải khai báo y tế, lịch trình di chuyển…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tại các khu công nghiệp, Đồng Nai cũng phải có giải pháp quản lý lịch trình di chuyển cụ thể của công nhân ở từng phân xưởng, nhà máy... nhất là những người đang sinh sống ở địa phương khác.

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo phân cấp, phân quyền rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, với chủng mới của virus SARS-CoV-2, Đồng Nai cần bàn kỹ lưỡng các tình huống, để bình tĩnh, chủ động, sẵn sàng phòng, chống dịch; căn cứ vào thực tiễn, quyết định khoanh vùng gọn, nghiêm ngặt, tập trung toàn lực để dập dịch. “Tuyệt đối tránh tình trạng, bên ngoài phong tỏa nghiêm ngặt, bên trong lại “lùng nhùng” do không có đủ lực lượng để quản lý” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Về vaccine, Phó Thủ tướng nêu rõ, Trung ương đã và đang nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để bảo đảm nguồn vaccine phòng COVID-19, không chỉ riêng cho Đồng Nai hay một địa phương riêng lẻ nào mà chung cho cả nước. Vaccine về sẽ ưu tiên cho các khu vực sản xuất, để bảo vệ sản xuất kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép”.

Đọc thêm