Năm 2020, Sở Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2020, trong đó có những lĩnh vực kết quả cao hơn năm 2019 như: ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 39 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 62 Quyết định quy phạm pháp luật (trong đó, gồm 04 Quyết định do Sở Tư pháp trực tiếp tham mưu ), thực hiện góp trên 1.000 dự thảo văn bản (bao gồm văn bản vị phạm pháp luật và văn bản hành chính, thẩm định 118 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị Ngành Tư pháp Đồng Nai |
Mặc dù tình hình kinh tế xã hội trong nước ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai kịp thời triển khai có hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2020. Qua đó, tiếp tục phát huy những kết quả khả quan, tích cực đẩy mạnh hoạt động phục vụ nhân dân với nhiều giải pháp hiệu quả để trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội còn có những khó khăn, thách thức đối với công tác xây dựng pháp luật và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Việt Nam phải tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Về định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2021-2025, Giám đốc Sở Tư pháp, Võ Thị Xuân Đào cho biết ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm; bảo đảm thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong đời sống xã hội và trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kịp thời ban hành các văn bản quy định pháp luật, sớm đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống.
Đồng thời, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công, trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu về xây dựng chính quyền điện tử; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong tham mưu đẩy mạnh hợp tác quốc tế về pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tư pháp.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt đã được của ngành Tư pháp trong năm 2020. Theo đó, Sở Tư pháp cũng đã được Bộ Tư pháp đánh giá hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được nhận Cờ thi đua xuất sắc và xếp thứ 6 trong cả nước theo tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá của Bộ Tư pháp.
Các cá nhân, tập thể có thành tích tốt được khen thưởng |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua công tác tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới đặt ra khó khăn, thách thức như: trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp không theo kịp thực tiễn quản lý, một số quy định pháp luật còn chậm ban hành mới, chồng chéo, vướng mắc, chưa rõ ràng nên gây khó khăn nhất định trong công tác tổ chức thực hiện.
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2020, và thời gian qua trong tổng kết thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Luật Công chứng và trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” được đại diện UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng bằng khen.