Dang dở chính sách cũ…
Theo hợp đồng ký kết, tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) được Công ty Bảo Duy (TP.Đà Nẵng) tiến hành đóng mới, Công ty Liên Á (TP.Hà Nội) cung cấp máy thủy. Tàu được đóng theo Nghị định 67 (đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân).
Đêm 29/3/2016, khi tàu vỏ thép đang được đưa ra khỏi cầu Mân Quang (Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thì bị chết máy và phải nằm bờ đến nay. Ông Liên có đơn kiện 2 công ty đòi bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố.
Ngày 30/8/2016, TAND TP.Tam Kỳ đã xử sơ thẩm, tuyên Công ty Bảo Duy phải bồi thường 2,8 tỷ đồng để thay máy mới cho tàu. Cty Bảo Duy kháng cáo và tại phiên xử phúc thẩm (30/1/2018), TAND tỉnh Quảng Nam tuyên Công ty Liên Á phải bồi thường thiệt hại do sự cố hỏng máy. Trước mắt, Công ty Bảo Duy đã thỏa thuận với chủ tàu để mua máy mới lắp lại trên tàu QNa-94679 để có thể sớm bàn giao tàu cho ngư dân.
Đáng nói, cả ngư dân lẫn công ty đóng tàu đều muốn bàn giao tàu vỏ thép nhưng đành bất lực vì BIDV, Chi nhánh Quảng Nam (nơi cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép) không giải ngân gần 7 tỷ đồng còn lại trong tổng số 14,5 tỷ đồng theo hợp đồng đóng tàu đã ký.
Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc BIDV, Chi nhánh Quảng Nam cho biết, khoản hơn 7,6 tỷ đồng đã giải ngân cho ông Liên đóng tàu vỏ thép đã bị coi là nợ quá hạn kể từ tháng 12/2016, hiện chuyển sang nợ xấu. Việc Công ty Liên Á đang đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm sau khi bị TAND Quảng Nam tuyên phải bồi thường thiệt hại sự cố hỏng máy cũng là nguyên nhân khiến BIDV, Chi nhánh Quảng Nam không giải ngân phần vốn còn lại.
“Khiếu kiện giữa Công ty Liên Á và Công ty Bảo Duy kéo dài khiến ông Liên gánh thêm nợ nần. Còn con tàu lại không thể vươn khơi nên chúng tôi không thể giải ngân phần vốn còn lại”- bà Nga thông tin thêm.
Cũng theo bà Nga, hầu hết dự án đóng tàu của ngư dân từ nguồn vốn vay của BIDV đến nay đều lâm vào nợ quá hạn. Trong khi đó, chính sách, cơ chế của Nhà nước còn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho ngư dân và ngân hàng. Hiện, rất khó có chuyện ngư dân khác sẽ nhận lại con tàu vỏ thép QNa-94679. BIDV, Chi nhánh Quảng Nam sẽ có thời gian đến ngày 31/12/2018 để tìm ngư dân mới muốn làm chủ tàu QNa-94679. Quá thời hạn kể trên, con tàu sẽ không còn thuộc phạm vi tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67. Khi đó, bắt buộc phải bán tàu, rồi các bên sẽ phải thương thảo, trao đổi, thống nhất phương án thanh toán hợp đồng tín dụng đóng tàu vỏ thép QNa-94679 đã ký.
Nghị định mới đang “làm khó” dân?
Ngày 2/2/2018, Nghị định 17 ra đời sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Dự kiến, theo hai Nghị định này thì cả nước sẽ có thêm hơn 2.000 tàu cá công suất lớn. Tính đến cuối năm 2017 cả nước đã đóng mới hơn 1.000 tàu.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) của tỉnh cho biết, điều 4, Nghị định 67 quy định, chủ tàu đóng mới tàu cá vỏ thép có thể vay vốn tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư. Như vậy, để đóng một con tàu vỏ thép, chủ tàu chỉ cần nộp đối ứng 5% tổng giá trị đầu tư. Số tiền còn lại sẽ được ngân hàng thương mại cho vay. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm. Tuy nhiên, với Nghị định 17 thì chủ tàu phải bỏ 100% kinh phí đóng mới tàu cá. Sau đó nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ 1 lần với định mức hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Cụ thể, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Việc hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên tàu xa bờ vẫn mức 100% nhưng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu theo Nghị định mới giảm xuống còn 50%...
Ông Tấn cho rằng, chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư được quy định trong Nghị định 17 đã mang đến nhiều thuận lợi, giúp giảm thủ tục rất nhiều so với chính sách hỗ trợ tín dụng trước đây. Nhưng khi triển khai vào thực tế thì có vướng mắc ở chỗ, ngư dân phải tự tìm nguồn vốn để đầu tư. Sau khi hoàn thành con tàu mới được hỗ trợ.
Ông Lê Văn Thanh, ngư dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ, quy định ngư dân phải tự ứng vốn ra đóng tàu và nhận hỗ trợ một lần sau đầu tư theo nghị định 17, rất khó. Bởi, ngoài số ít hộ có tiền tích lũy, còn lại chủ yếu trông cậy vào việc vay ngân hàng thương mại (có thế chấp) khiến việc vay vốn không hề đơn giản. Chưa kể, một cái khó trong hỗ trợ chính ở việc chỉ áp dụng cho đóng mới tàu cá bằng vỏ thép và vỏ composite. Như vậy, đóng tàu vỏ gỗ không được hỗ trợ, trong khi đại đa số ngư dân vẫn muốn đóng tàu bằng vỏ gỗ. Với những quy định mới này, ngư dân không dễ huy động nguồn vốn hay xoay sở đủ tiền để đóng tàu” - ông Dũng bộc bạch.
Qua thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 21 chỉ tiêu đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17 gồm Núi Thành (10 trường hợp), Thăng Bình (4 trường hợp), Duy Xuyên (4 trường hợp), Tam Kỳ (2 trường hợp và Hội An (1 trường hợp). Đáng chú ý, tại một vài địa phương con số đăng ký trên chưa phải con số cuối cùng. Thậm chí, con số này chỉ đăng ký “xí phần” của chính quyền địa phương, không phải ngư dân đăng ký.
Một số ý kiến ngư dân thể hiện thêm, họ rất muốn sở hữu tàu vỏ thép, vỏ composite hiện đại, vững chãi để sản xuất thuận lợi hơn nhưng họ không dám đăng ký triển khai vì lo ngại giá trị kinh tế thu được sẽ không cao sau khi con tàu hoàn thành đi vào hoạt động, nhất là trước thực tế không ít tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả, gặp rắc rối như thời gian qua.