Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật Việt Nam
Liên quan đến sàn thương mại điện tử Temu, theo VnExpress mới đây Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhanh chóng liên hệ với đội ngũ pháp lý của nền tảng thương mại điện tử Temu để yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, yêu cầu này cần được thực hiện ngay trong tháng 10. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Theo quy định hiện hành, các sàn bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương nếu sử dụng tên miền Việt Nam, có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc đạt trên 100.000 giao dịch mỗi năm từ Việt Nam. Điều này nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và tuân thủ các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thừa nhận vẫn còn các nền tảng chưa tuân thủ quy định này.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hướng dẫn người tiêu dùng cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhà chức trách khuyến cáo người dân chỉ nên giao dịch với các nền tảng đã đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Để tăng cường kiểm soát, Cục Thương mại và Kinh tế số được giao nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính nhằm tìm phương án giám sát và quản lý hàng hóa nhập khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký. Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục Hải quan cũng được chỉ đạo phối hợp để giám sát, phát hiện và xử lý các kho hàng và điểm tập kết hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký.
Bộ Công Thương giao cho Vụ Pháp chế rà soát và đề xuất phương án xử lý đối với các nền tảng hoạt động trái phép trong tháng 10. Cục Xuất nhập khẩu được yêu cầu đưa ra phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu thông qua thương mại điện tử vào Việt Nam.
Vào tháng 11, Vụ Thị trường trong nước sẽ tiến hành đánh giá tác động của việc hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong khi Vụ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn cho các mặt hàng thuộc lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý. Việc này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và tạo sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Với mô hình kinh doanh bán hàng giá rẻ tận xưởng, các nền tảng như Temu kết nối trực tiếp người mua với nhà sản xuất, thu hút đông đảo người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm giá rẻ với các chương trình giảm giá mạnh, từ 70-90% trong thời gian đầu.
Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại rằng “cơn lốc” hàng giá rẻ từ nước ngoài của Temu có thể gây tổn hại đến hàng hóa và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh rằng Temu nằm trong diện phải nộp thuế, tương tự như Google và Facebook. Ông đã yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát việc đăng ký kê khai và nộp thuế của Temu, đồng thời cam kết rằng nếu Temu không thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra và xử lý.
Cần kiểm soát chất lượng và thu thuế với Temu
Theo Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, vốn đã gây tiếng vang lớn từ Trung Quốc và mở rộng ra Mỹ và Đông Nam Á, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi cung cấp thêm lựa chọn và góp phần tăng tính cạnh tranh trong thị trường, tránh tình trạng độc quyền.
Tuy nhiên, ông An cảnh báo cần phải phân tích khách quan để đánh giá cả lợi ích lẫn nguy cơ mà Temu có thể mang đến. Dù pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, nhưng vẫn cần chú ý đến cách mà Temu hoạt động tại các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia và Mỹ – nơi Temu gặp phải các biện pháp mạnh mẽ như cấm hoặc tăng thuế cao.
Với số vốn lên đến 20 tỷ USD trong năm qua, Temu đang hướng vào những thị trường lớn như Việt Nam. Họ triển khai các biện pháp cạnh tranh quyết liệt, giảm giá sâu trên các sản phẩm thông dụng để chiếm lĩnh thị trường. Để đạt được tốc độ giao hàng nhanh chóng, Temu xây dựng các kho hàng lớn sát biên giới, giúp họ chiếm ưu thế về hậu cần, dẫn đến giá thành rẻ hơn và khả năng cung cấp hàng nhanh hơn so với các đối thủ. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại rằng hàng hóa nội địa sẽ không thể cạnh tranh, đặc biệt nếu Temu có thể kiểm soát toàn bộ chuỗi từ sản xuất đến phân phối.
Ông An nhấn mạnh cần phải tăng cường các biện pháp quản lý và giám sát để bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp nội địa. Ông đề xuất các giải pháp như áp thuế đối với cả các mặt hàng giá trị nhỏ từ 200 nghìn đồng trở lên, nhằm tăng nguồn thu ngân sách và giám sát chặt chẽ nguồn hàng, đồng thời duy trì cạnh tranh bình đẳng.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần có chính sách kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu để ngăn chặn nguy cơ thị trường trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.
Ông An cũng cho rằng, các trang thương mại điện tử trong nước cần có chiến lược để duy trì và phát triển, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các ưu đãi thuế và các biện pháp hỗ trợ khác. Ông khẳng định người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hàng nội địa nếu sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo.
Theo ông An phải xử lý ngay về mặt thu thuế với Temu. Ngay cả với các mặt hàng giá trị nhỏ 200 nghìn hay 500 nghìn cũng cần phải áp thuế. Quốc hội đang xem xét, sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó có quy định về thương mại điện tử, mua bán qua biên giới, đặc biệt hàng giá trị thấp dưới 1 triệu đồng. Chúng ta cần phải cho phép thực hiện điều này. Việc thu thuế không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn giám sát được nguồn hàng, quản lý được nguồn tiền và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó, không nên khuyến khích các sản phẩm kém chất lượng, mà phải đa dạng sản phẩm, đa dạng nguồn cung cấp và tránh việc thiết lập hệ thống sản xuất khi họ đã chiếm lĩnh được thị trường. Do vậy, cần kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sản phẩm như vừa đề cập. Nếu xảy ra trường hợp vi phạm về chất lượng, phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, yêu cầu họ thực hiện nghiêm theo quy định của mình. "Indonesia cấm luôn, bởi vì họ cho rằng Temu quảng cáo không đúng, chất lượng kém, không rõ xuất xứ, rồi liên quan đến vấn đề thuế"- ông An lấy ví dụ.
Về chiến lược, theo ông các trang thương mại điện tử ở trong nước cũng phải có biện pháp để phát triển, đủ sức cạnh tranh. "Thực tế cho thấy, một vài thương hiệu lâu nay của chúng ta đã lụi dần. Do vậy, nhà nước cần có một số cơ chế phù hợp, trong đó cần ưu đãi về thuế để đẩy họ lên. Tôi cho rằng, người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, nếu công khai minh bạch, rõ ràng nguồn gốc"- ông An nói.