Temu – “Thiên đường” mua sắm giá rẻ hay bẫy “tiền mất, tật mang”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù đang được quảng cáo rầm rộ và thu hút người dùng Việt Nam với những ưu đãi giá rẻ bất ngờ, sàn thương mại điện tử Temu hiện vẫn chưa đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều lo ngại về tính minh bạch và chất lượng sản phẩm, vì vậy người tiêu dùng nên thận trọng để tránh những rủi ro không đáng có.

Temu chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về sàn thương mại điện tử Temu với hàng loạt sản phẩm có mức giá rẻ bất ngờ. Theo thông tin từ Znews, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Temu – phiên bản quốc tế của Pinduoduo (Trung Quốc) hiện vẫn chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Theo quy định của Nghị định 52 và Nghị định 85 sửa đổi về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam cần đăng ký và tuân thủ các quy định pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay Temu vẫn chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để hợp pháp hóa hoạt động của mình tại Việt Nam.

Mặc dù quảng cáo rầm rộ nhưng hiện tại sàn thương mại điện tử Temu vẫn chưa đăng ký tại Việt Nam. (Ảnh: laodong.vn).

Mặc dù quảng cáo rầm rộ nhưng hiện tại sàn thương mại điện tử Temu vẫn chưa đăng ký tại Việt Nam. (Ảnh: laodong.vn).

Temu hiện là nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ 2 thế giới với 663 triệu lượt truy cập trung bình hàng tháng trong quý III, đứng sau Amazon với 2,7 tỷ lượt truy cập.

Vào đầu tháng 10, Temu chính thức xuất hiện tại thị trường Việt Nam với hàng loạt chương trình ưu đãi như miễn phí giao hàng, cho phép trả hàng và hoàn tiền trong vòng 90 ngày, cùng với chính sách hoa hồng lên tới 30% cho hoạt động tiếp thị liên kết. Mặc dù chưa đăng ký hoạt động chính thức tại Việt Nam, nhưng người tiêu dùng đã có thể tải ứng dụng Temu và mua hàng trực tiếp trên nền tảng này.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương diễn ra vào ngày 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ông giật mình trước mức giá quá rẻ của Temu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng cần có sự điều tra kỹ lưỡng để xác định chất lượng hàng hóa trên nền tảng này. Theo ông, cần xem xét kỹ càng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc giá rẻ có đi kèm với hàng giả, hàng nhái hay không vì tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường.

Ông Tân khẳng định Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động và cho rằng cần bình tĩnh trước thực trạng trên để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái thì cần phải ngăn chặn, không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh, thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.

Bộ Công Thương cho biết hiện vẫn đang triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt và chống gian lận, hàng giả, hàng nhái. Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát liên quan đến vấn đề này.

Coi chừng tiền mất, tật mang

Theo ghi nhận của phóng viên, khi truy cập vào trang web của Temu Việt Nam, người dùng có thể thấy giao diện được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Việt, với các mục tìm kiếm sản phẩm, sản phẩm mới, đánh giá sản phẩm… một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, dưới mỗi sản phẩm, giá sản phẩm đều được quy đổi sang tiền Việt Nam. Điều này cho thấy Temu đã có những bước chuẩn bị cụ thể cho thị trường Việt Nam.

Temu – “Thiên đường” mua sắm giá rẻ hay bẫy “tiền mất, tật mang”? ảnh 2

Giao diện sàn thương mại điện tử Temu tại Việt Nam.

Trên trang web Temu, giá các sản phẩm hiển thị bằng đồng Việt Nam, kèm theo đánh giá từ khách hàng. Quá trình giao hàng tới Việt Nam cũng rất nhanh chóng, chỉ từ 4 đến 7 ngày, và Temu miễn phí vận chuyển cho tất cả đơn hàng.

Temu thu hút người tiêu dùng nhờ cung cấp các sản phẩm với giá rẻ ở nhiều danh mục, từ đồ điện tử, đồ gia dụng cho đến thời trang. Nhiều mặt hàng được giảm giá sâu, có sản phẩm giảm tới 2-3 lần so với giá gốc hoặc khuyến mại lên tới 90%. Ví dụ, một camera an ninh HD không dây được giảm giá tới 42%, chỉ còn 170.729 đồng, hay sản phẩm giày chạy bộ nữ siêu nhẹ AirMesh sale 87,9% từ hơn 1,8 triệu đồng xuống còn hơn 220 nghìn đồng...

Temu – “Thiên đường” mua sắm giá rẻ hay bẫy “tiền mất, tật mang”? ảnh 3

Giá mỗi sản phẩm đều được quy đổi ra Việt Nam đồng.

Tuy nhiên, việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Hiện tại, Temu chưa hỗ trợ hình thức thanh toán khi nhận hàng tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc người dùng phải thanh toán trước khi nhận được sản phẩm. Temu chỉ chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay và chưa hỗ trợ các ví điện tử phổ biến khác. Điều này có thể dẫn đến rủi ro khi người mua đã thanh toán nhưng sản phẩm nhận được không đảm bảo chất lượng, hàng giả hoặc không đúng như mô tả.

Đặc biệt, một số gian hàng trên Temu còn sử dụng chiêu trò đánh lừa khách hàng bằng cách mô tả sản phẩm không chính xác. Chẳng hạn, họ chỉ bán ốc vít, nhưng hình ảnh mô tả lại là toàn bộ phần main máy tính khiến người mua lầm tưởng mình đang mua cả sản phẩm với giá rẻ.

Bán ốc vít, nhưng gian hàng lại đăng ảnh cả phần main máy tính, khiến nhiều người lầm tưởng về sản phẩm (Ảnh chụp màn hình).

Bán ốc vít, nhưng gian hàng lại đăng ảnh cả phần main máy tính, khiến nhiều người lầm tưởng về sản phẩm (Ảnh chụp màn hình).

Qua quan sát, PV nhận thấy không có bằng chứng rõ ràng nào để xác nhận rằng các mặt hàng trên Temu là hàng chính hãng, hay liệu có phải là hàng nhái hoặc hàng giả hay không? Dù Temu có chính sách đổi trả và hoàn tiền, nhưng vì đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới với người bán chủ yếu từ Trung Quốc, vì vậy quá trình đổi trả và hoàn tiền có thể mất nhiều thời gian và gây phiền phức cho người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua hàng trên sàn Temu để tránh "tiền mất tật mang".

Đọc thêm