Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đế mọi khía cạnh nền kinh tế
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành kinh tế trong cả nước. Tại Đồng Tháp, do ảnh hưởng của dịch bệnh mà các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, giảm cung và cầu, gia tăng thất nghiệp, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như: Nông sản, dệt may, da giày v.v..
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Hòa Châu, trong 05 tháng đầu năm 2020, có 208 doanh nghiệp rời khỏi thị trường (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019). Số liệu cho thấy, xu hướng doanh nghiệp chờ đợi diễn biến của dịch bệnh, mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay “đóng cửa” doanh nghiệp.
Về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, giá một số mặt hàng nông sản sau thời gian nới lỏng cách ly có sự tăng nhẹ so với thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, giá thủy sản nuôi vẫn không tăng trở lại, ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Sau đợt tháng 4 dịch tả heo Châu Phi dù đã có chỉ đạo của ngành nông nghiệp đề nghị đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn còn nhiều hộ dân e ngại tái đàn heo vì ngại dịch bệnh, giá cả thịt heo tăng, giảm bất thường" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phước Thiện cho hay.
Các chỉ số của ngành công thương tại Đồng Tháp đều giảm hoặc nếu có tăng nhưng ở mức thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp 04 tháng đầu năm tăng 2,7% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,79% cùng kỳ năm ngoái); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.239 tỷ đồng (tăng 2,32 % so với cùng kỳ năm 2019); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 318 triệu USD (giảm 21,56% so cùng kỳ năm trước).
Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch phải đối mặt với khủng hoảng nặng nề. Tổng lượt khách ước thực hiện 06 tháng đầu năm 2020 là 1,2 triệu, giảm 40,18% so với cùng kỳ năm 2019.
Xác định những động lực mới hỗ trợ tăng trưởng
Thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, sau khi nghe báo cáo và đề xuất của các sở ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương xác định, còn rất nhiều công việc cần phải tập trung thực hiện. Theo ông Dương, bên cạnh theo dõi tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế ở từng ngành, từng lĩnh vực cần xác định những động lực mới hỗ trợ tăng trưởng, làm cơ sở để tái cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với nhu cầu phát triển.
|
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu tỉnh , ảnh: Nguyêt Ánh |
Từ kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19 vừa qua, cho thấy nền kinh tế phải thích ứng nhanh với sự thay đổi. Muốn vậy, ngành Nông nghiệp phải hướng đến tăng trưởng bền vững, hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, tăng cường chế biến và đầu tư công nghệ bảo quản. Đối với ngành thủy sản, cần nắm lại nhu cầu để duy trì sản xuất ở mức độ phù hợp.
Đối với ngành Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh kết nối hàng hóa vào các trung tâm phân phối, tiêu thụ; mở rộng thương mại điện tử trong thời gian tới.
Ông cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô đầu tư lớn; UBND cấp huyện rà soát lại nguồn thu, chi để tham mưu cho UBND tỉnh có chỉ đạo sát tình hình thực tế hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đặc biệt nhấn mạnh: phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đối với thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp và người gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải theo dõi, đẩy nhanh tiến độ chi trả nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.