Thông tin về những kết quả của Đề án, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, kết quả nổi bật là việc thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “ kinh tế nông nghiệp”. Nông dân Đồng Tháp ngày nay không còn chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích.
Ngoài ra, nông dân còn chú trọng liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Trong đó, tập trung vào những ngành hàng trọng yếu của tỉnh như: lúa gạo, cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng, cá tra...
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thúc đẩy công nghiệp chế biến tiếp tục phát triển, đặc biệt là chế biến nông sản theo chuỗi ngành hàng đã làm gia tăng giá trị sản phẩm, nhiều sản phẩm mới được ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể kể đến sự đa dạng của các sản phẩm từ sen (hạt sen sấy, sữa sen, các loại trà, rượu từ sen) hay các sản phẩm từ mãng cầu (nước ép mãng cầu, mứt mãng cầu, trà mãng cầu) v.v...
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp của ngành hàng này để làm nguyên liệu cho ngành hàng khác.
Điển hình như sản xuất lúa, không chỉ thu được giá trị trực tiếp từ hạt gạo mà còn có giá trị sau hạt gạo, với hàng loạt các sản phẩm giá trị gia tăng khác như: Dầu từ cám gạo, trấu viên để xuất khẩu, rơm để trồng nấm; hay như từ vỏ bưởi, vỏ quýt trước đây chỉ bỏ đi, thì nay có thể chiết xuất làm tinh dầu hoặc sản phẩm vỏ bưởi sấy, vỏ quýt sấy, được bán với giá cao hơn v.v..
Với việc duy trì đà tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức bình quân 3,57%/năm đã góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn lên 45,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 69%, đến nay giảm còn 49%. Trong điều kiện nhiều khó khăn, nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định và phát huy tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của giai đoạn 5 năm (2015-2020) là 6,44%, đứng vào hàng khá ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thưa ông, những thay đổi nào ở người nông dân làm ông thấy hài lòng?
- Sự thay đổi về tư duy sản xuất của người nông dân đã góp phần quan trọng cho thành công của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nông dân thấu hiểu tầm quan trọng của việc sản xuất phải gắn với tiêu thụ, vì vậy mà không ngừng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản. Điển hình, nhiều Hợp tác xã, Hội quán đã ký kết tiêu thụ nông sản với hệ thống Siêu thị Coopmart, Vinmart, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Uyên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm Việt Đức, Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm v.v..
Song song đó, nông dân Đồng Tháp còn ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, điển hình như ứng dụng thiết bị cảm biến kết nối Internet để tưới nước, sử dụng thiết bị bay để bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; nắm bắt tình hình sâu rầy qua hệ thống giám sát thông minh; mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh; mô hình “Cây cam vườn tôi” của nông dân xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh.
Ông Nguyễn Văn Dương (bìa phải) khảo sát các cửa hàng tiện lợi để kết nối tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân. |
Và nhiều nông dân đã trở thành những “Thủ lĩnh cộng đồng”, ông chủ những điểm du lịch nông nghiệp, biến những mảnh vườn, bờ ao thành các điểm trải nghiệm cho du khách.
Còn về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì sao, thưa ông?
- Với phương châm ‘‘Đồng hành cùng doanh nghiệp’’, Uỷ ban nhân dân tỉnh thường xuyên tiếp xúc và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng.
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không ngừng tăng lên. Điển hình là thực hiện liên kết với nông dân, Hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, có 130 doanh nghiệp tham gia, tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2016.
Đến nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 54 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.
Các lĩnh vực đầu tư như: Chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, sản xuất giống thủy sản; chế biến thủy sản v.v..
Xin ông đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp?
- Khi triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Đáng chú ý là triển khai chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai và cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí hỗ trợ gần 10 tỷ đồng; về hỗ trợ cho vay phát triển các ngành hàng tiềm năng, có 11 phương án, dự án được phê duyệt hỗ trợ cho vay, với tổng số vốn đề nghị hơn 4 tỷ đồng.
Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở Hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ hơn 120 lao động về làm việc tại các Hợp tác xã nông nghiệp, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các Hợp tác xã theo cơ chế quản lý mới.
Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, Hợp tác xã của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 60 đơn vị xây dựng địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bán hàng và trung chuyển hàng hóa, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa với tổng chi phí gần 1,5 tỷ đồng.
Làng hoa Sa Đéc chuẩn bị các giống hoa mới phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021. (ảnh báo Đồng Tháp). |
Đồng Tháp còn thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở sáp nhập các Trạm thuộc ngành nông nghiệp, bước đầu các hoạt động của Trung tâm được ổn định, tập thể đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, giảm được khâu trung gian và thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả.
Trong những năm tới, mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra như thế nào, thưa ông?
- Trong 05 năm tới, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những cách làm sáng tạo, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi với khí hậu.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp gia tăng về giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản; nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn gắn giải quyết việc làm; tăng thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống của nông dân thịnh vượng, nông thôn hiện đại.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp gần 22.900 tỷ đồng; thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, giảm lao động nông nghiệp còn 40%; nâng cao năng lực cho Hợp tác xã nông nghiệp, thu nhập nông thôn tăng 1,6 lần so năm 2020.
Mục tiêu quan trọng nữa, đó là bảo vệ tài nguyên tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp thông minh”; nâng cao năng lực quản lý rủi ro để sẵn sàng ứng phó với các tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!