Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.109 VND/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 VND/USD ở chiều mua vào và 23.250 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 23.030 đồng/USD (mua vào) – 23.340 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.965 đồng/USD (mua vào) – 23.405 đồng/USD (bán ra), giảm 105 đồng chiều mua vào và tang 55 đồng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 23.055 đồng/USD (mua vào) –23.335 đồng/USD (bán ra), giảm 15 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 101,64 điểm, giảm 0,19% so với phiên giao dịch trước đó. Hiện 1 Euro đổi 1,073 USD; 1 bảng Anh đổi 1,262 USD; 1 USD đổi 127,11 yên.
Đồng USD tiếp tục giảm tuần thứ hai liên tiếp khi các nhà giao dịch tạm dừng kỳ vọng về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, dữ liệu khả quan về tình trạng lạm phát và Chi tiêu tiêu dùng cá nhân cũng giúp giảm bớt lo ngại về việc suy thoái kinh tế.
Đồng bạc xanh đã đạt mức đỉnh gần hai thập kỷ ở mốc trên 105 vào hồi đầu tháng này nhưng đã giảm, cùng với triển vọng về khả năng tăng lãi suất của Fed trong năm nay nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát tăng cao.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Western Union Business Solutions, cho biết: “Đồng bạc xanh đang mất dần vị thế khi thị trường cho rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào mùa thu năm nay”.
Biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed trong tuần này cho thấy, hầu hết các quan chức đều tán thành mức tăng 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp chính sách tháng 6 và tháng 7, nhưng nhiều người nghĩ rằng điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Dữ liệu mới công bố cho thấy, mặc dù lạm phát tiếp tục tăng trong tháng 4, nhưng nó đã tăng ít hơn so với những tháng gần đây. Chỉ số Chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,2%, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 11/2020, sau khi tăng 0,9% trong tháng 3. Trong 12 tháng đến tháng 4, chỉ số giá PCE tăng 6,3% sau khi tăng 6,6% vào tháng 3.
Một báo cáo khác cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng trước do các hộ gia đình tăng cường mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ.
Báo cáo quan trọng của Hoa Kỳ vào tuần tới sẽ là số liệu về bảng lương phi nông nghiệp tháng 5.
Trong khi đó, đồng Euro đã được hưởng lợi chính từ sự sụt giảm của đồng USD, tuy nhiên đà tăng của nó cũng bị chững lại khi các nhà đầu tư tin rằng, phần lớn các đợt tăng lãi suất dự kiến từ Ngân hàng Trung ương châu Âu đã được định giá ở mức hiện tại. Đồng tiền này giữ nguyên ở mức 1,073 USD, trong khi đồng bảng Anh tăng 0,16% ở mức 1,262 USD.