Đồng ý mở lại đường bay nội địa trong lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tổng số 21 địa phương trong cả nước có sân bay, có 3 địa phương chưa đồng ý, 2 địa phương chưa có ý kiến, 16 địa phương đã đồng ý mở lại đường bay nội địa.
Địa phương vẫn tỏ ra lo lắng dù đồng ý mở lại đường bay nội địa (ảnh minh hoạt)
Địa phương vẫn tỏ ra lo lắng dù đồng ý mở lại đường bay nội địa (ảnh minh hoạt)

Ông Võ Huy Cường – Cục Phó Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, kế hoạch mở lại đường bay nội địa của Cục HKVN dựa trên kế hoạch vận tải của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Từ cơ sở này, Cục đã gửi văn bản lấy ý kiến 21 tỉnh, thành phố có 22 cảng hàng không.

Tính đến hôm nay, 8/10, Cục HKVN đã nhận được 19 văn bản trả lời của các địa phương. Trong đó, có 3 địa phương chưa đồng ý mở lại đường bay nội địa là Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai. 2 địa phương là Quảng Ninh và Quảng Ngãi chưa có ý kiến. Còn lại 16 địa phương thống nhất phương án mở lại hàng không nội địa.

Theo ông Cường, việc Hà Nội chưa đồng ý mở lại đường bay nội địa có thể ảnh hưởng một phần đến kế hoạch bay lại của ngành hàng không. Tuy nhiên, ông cho rằng nên tôn trọng các quyết định của địa phương vì áp lực chống dịch.

Theo ông Cường, hiện nay Hà Nội có quan điểm đây là một vùng đặc biệt quan trọng căn cứ theo Luật Thủ đô, khi có dịch bệnh hoặc vấn đề phát sinh thì "đóng trước, mở sau". Tình hình dịch bệnh trên toàn quốc là lý do Hà Nội quan ngại việc sẽ gánh chịu một làn sóng lây nhiễm mới.

“Chúng tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với Hà Nội về điều đó. Hà Nội cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, chúng tôi chỉ xin ý kiến Hà Nội, không gây sức ép về việc mở đường bay”, ông Cường nói.

Cũng theo lãnh đạo Cục HKVN, việc đã có đến 16 địa phương có cảng hàng không trong cả nước mở lại đường bay đã thể hiện bản lĩnh lãnh đạo các địa phương, đồng thời thể hiện tâm thế sẵn sàng mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế ở các địa phương.

Ông Cường cũng cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng với ngành GTVT, là cơ hội để ngành hàng không dần dần mở cửa trở lại. “Ngành Hàng không mỗi ngày đang thiệt hại 500 tỷ đồng”, ông Cường nói và cho biết, việc kích hoạt đường bay nội địa dự định từ 10/10 này là bước thử quan trọng để đánh giá lại năng lực phòng chống dịch, cũng như năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương đối với dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Theo ông Trịnh Hồng Quang – Phó tổng giám đốc hãng bay Vietnam Airlines, cũng như các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines đã sẵn sàng bay trở lại. ”Nếu cho phép bay, chỉ sau vài tiếng nữa là chúng tôi có thể bay được”- ông Quang nhấn mạnh về sự sẵn sàng của hãng hàng không và cho biết, đơn vị đã lên phương án phòng chống dịch bệnh khi được bay lại một cách tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu của Bộ Y tế.

Đại diện đến từ địa phương, ông Nguyễn Phương Đông - Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết, địa phương này đã có văn bản thống nhất mở lại đường bay, trong đó có hai tuyến bay chính đến Hà Nội và TP HCM.

“Dù đã tham mưu UBND tỉnh mở lại đường bay theo yêu cầu của Cục HKVN, nhưng thực sự, chúng tôi vẫn còn những vấn đề lo ngại và thận trọng trong việc tiếp đón người”, ông Đông nói và chia sẻ thêm, nếu mở đường bay Tuy Hoà – TP HCM thì công tác phòng chống dịch của địa phương sẽ khó khăn, vì theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tất cả những người đi từ vùng dịch từ các tỉnh, thành phía Nam về đều phải cách ly từ 7-14 ngày.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí các khu cách ly tập trung và thực hiện các công việc khác của người di chuyển từ TP HCM đi công tác ở Phú Yên hoặc ngược lại. “Những người này đều phải cách ly 7-14 ngày nên rất khó duy trì lâu nếu tình trạng dịch tiếp diễn ở các tỉnh phía Nam như hiện tại”, ông Đông lo ngại.

Đọc thêm