Cho ý kiến về nội dung quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đồng tình với 5 vướng mắc, bất cập cũng như 5 nguyên nhân gây ra vướng mắc, bất cập đó đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Tuy nhiên, ĐB đề cập thêm hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” của kinh phí đầu tư cho các dự án. “Vừa qua cử tri giật mình với một dự án nạo vét sông Sào Khê với phê duyệt ban đầu là 72 tỷ thế nhưng sau đó cứ nợ dần, nợ dần lên đến gần 2.600 tỷ, quả là quá sức tưởng tượng. Có thể nói cả thế giới khó tìm ra được loại bột nở nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, lại là voi ma mút như vậy”, ĐB nêu.
Theo ĐB Trí, có không ít những dự án nợ dần như vậy. “Chúng tôi nghĩ Chính phủ lấy kinh tế ở đâu để bù vào. Ngân sách hằng năm đã được QH thông qua, đã phân bổ hết, tại sao lại làm khó cho Chính phủ như vậy?”, ĐB nói.
ĐB Trí cũng cho rằng hiện tượng các dự án chậm tiến độ cũng là một thực tế rất nghiêm trọng. “Qua theo dõi cho thấy phần lớn các dự án của nhà nước đều chậm tiến độ vì những lý do thiếu sâu sát, thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp làm việc, thậm chí là thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Những cán bộ làm dự án thường sử dụng một thì đặc biệt để báo cáo công việc, tôi tạm gọi là “thì hiện tại tiếp diễn kéo dài”. Đó là một thì không có trong ngữ pháp tiếng việt. Ví dụ, chúng tôi đang thúc đẩy tiến độ nhưng không biết bao giờ mới xong, chúng tôi đang gọi điện cho nhà thầu để... Chậm tiến độ gây lãng phí, đánh mất cơ hội, gây thiệt hại rất lớn”, ĐB nhận xét.
Nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương cho rằng dù bức tranh kinh tế Việt Nam đang khởi sắc nhưng thu vẫn chưa bù nổi chi. Nhiều lĩnh vực đang rất cần vốn, nhiều địa phương đang rất khó khăn, những cung đường ở Tây Bắc, Tây Nam vẫn còn rất khó đi.
“Vẫn còn những gia đình 5 người ăn bữa cơm 15.000 đồng. Tại sao lại có những dự án gây lãng phí như vậy. Kính mong QH, Chính phủ sau kỳ họp này cần xem lại tất cả vấn đề trên thật hết, thật thấu như chủ trương đầu tư, chuẩn bị dự án, tổ chức thực hiện dự án, hệ thống luật, lệ để đảm bảo cho việc thực hiện dự án, hoạt động giám sát, kiểm toán, công tác tổ chức cán bộ tại các dự án. Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cổ phần hóa ở Việt Nam, để có nhiều dự án tốt, hiệu quả cho đất nước”, ĐB tha thiết đề nghị.
Tranh luận lại ý kiến của ĐB Trí về dự án liên quan đến dự án sông Sào Khê, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, vấn đề dự án đầu tư có điều chỉnh là hiện thực.
“Nhưng không phải dự án nào điều chỉnh đầu tư đều là sai, là không đúng, là mờ ám. Nếu chúng ta chỉ nhìn con số tròn từ 72 tỷ lên 2.600 tỷ người dân và cử tri sẽ băn khoăn trong công tác quản lý, điều hành nhà nước của chúng ta trong lĩnh vực đầu tư xây dựng thế nào mà để xảy ra như thế”, ĐB Phương phân trần.
ĐB Phương cho biết thêm, dự án trên bắt đầu từ năm 2001, ban đầu mục tiêu là nạo vét sông phục vụ thủy lợi tưới tiêu sản xuất nông nghiệp nhưng sông Sào Khê chảy qua khu vực cố đô Hoa Lư nơi bến sông ngày xưa vua Lý Công Uẩn dời kinh đô ra Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhà nước cho đầu tư để tôn tạo cố đô Hoa Lư. Sông Sào Khê chảy qua di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình lại là vùng đất du lịch, cho nên dự án được điều chỉnh lại.
“Đầu tiên mục tiêu chỉ dành cho sản xuất nông nghiệp, sau đó dự án điều chỉnh với 4 mục tiêu là sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng một bước để Tràng An được công nhận là di sản thế giới, phục vụ cho giao thông thủy, phục vụ cho các công trình để phát triển du lịch. Chính vì yêu cầu đó, dự án được điều chỉnh lại”, ông Phương thông tin.
Vẫn theo ĐB Phương, nguồn vốn ở đây không phải là toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. “Ngân sách nhà nước trong dự án này chỉ có khoảng 1.400 tỷ, số vốn còn lại là số vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn khác để kết hợp phát triển du lịch của địa phương. Chúng tôi nghĩ việc điều chỉnh dự án như thế để có được Ninh Bình hôm nay, có được cố đô Hoa Lư được tôn tạo, có được di sản Tràng An được cả thế giới biết đến và chúng ta tự hào về di sản đó trong đó có phần đóng góp của dự án này ở trong đó thì việc điều chỉnh đó là phù hợp và chúng ta làm hiệu quả nguồn vốn”, ông nói.
Cũng bấm nút tranh luận về dự án này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nêu thực trạng dự án đội vốn 36 lần từ 72 tỷ lên 2.500 tỷ trong khi Ninh Bình cũng là nơi có số nợ đọng lớn, nợ đọng là 5.900 tỷ trong khi số vốn bố trí thì chỉ có 2.000 tỷ, chiếm 34% tổng nợ, có nghĩa là phần còn lại trên 65% chưa có phương án bố trí nguồn.
"Tôi nghĩ trên thế giới này một dự án đầu tư phát triển tăng vốn hơn 30 lần như thế thì chúng ta không thể giải thích gì thêm được vì đầu tư phát triển quan trọng nhất của nó là chất lượng và hiệu quả”, ĐB nói.
Theo ông Nghĩa, dự án đó kéo dài chưa nói tham nhũng, tiêu cực đã là không có hiệu quả và tác động ngược trở lại nền kinh tế, là gánh nặng của nền kinh tế.
“Khi đội vốn và kéo dài thì không có hiệu quả. Tôi đề nghị tốt nhất chúng ta thanh tra dự án này và từ thanh tra này, chúng ta đi đến kết luận đâu là khách quan, đâu là chủ quan. Nếu khách quan và đáng khen thưởng thì chúng ta khen thưởng, còn chỗ nào đáng khắc phục, đáng sửa chữa và phải rút kinh nghiệm chúng ta phải rút kinh nghiệm, tôi nghĩ giải trình ở đây không thể nào hết được. Trong trường hợp có hiện tượng như vậy tôi đề nghị tiến hành thanh tra, có kết luận để các đồng chí ở Ninh Bình khỏi băn khoăn, thắc mắc, cử tri thấy minh bạch, rõ ràng và yên tâm”, ĐB Nghĩa đề xuất.