Như PLVN đã từng thông tin, ông Hợp bị cáo buộc do đã ký Quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên (trong vụ án vợ chồng Võ Khánh Dương- Quỳnh Anh lừa đảo chiếm đoạt tài sản) để trả một số nhà đất cho ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng (không phải bị hại).
Bị cáo “im lặng”, LS không đối đáp với KSV cao cấp
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa sơ thẩm có sự tham gia của ông Lưu Trọng Nguyên (KSV cao cấp, được Viện trưởng VKSND Tối cao “biệt phái” về VKSND tỉnh Thái Nguyên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án) và ông Bùi Hồng Hương (KSV trung cấp VKSND tỉnh Thái Nguyên).
Tuy nhiên, ngay tại phần khai mạc phiên tòa ngày 23/5, bị cáo Hợp và các LS cho rằng, luật không cho phép VKSND cấp trên và VKSND cấp dưới cùng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử trong một phiên tòa (Điều 289 BLTTHS chỉ quy định về KSV Viện kiểm sát “cùng cấp” phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa).
Cho rằng việc ông Nguyên tham gia phiên tòa sơ thẩm là trái quy định, không đúng nguyên tắc “bảo đảm pháp chế XHCN trong tố tụng hình sự”, LS Đỗ Văn Nhặn, (Cty Luật TNHH MTV Tín Đạt) còn đánh giá, việc này có dấu hiệu không khách quan vì theo Luật Tổ chức VKSND thì “trong vụ việc có nhiều KSV tham gia giải quyết thì KSV ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của KSV ở ngạch cao hơn”. Như vậy, khi tham gia phiên tòa, KSV Bùi Hồng Hương sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng sự phân công của VKSND Tối cao đối với VKSND tỉnh Thái Nguyên…
Đồng tình với LS, bị cáo Hợp đã đề nghị HĐXX thay đổi KSV Lưu Trọng Nguyên. Trong khi đó, ông Nguyên vẫn khẳng định việc mình tham gia phiên tòa là đúng luật, trên cơ sở quyết định biệt phái của Viện trưởng VKSND Tối cao và quyết định phân công của Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên. Hơn nữa, thời gian qua đã có một số vụ án mà KSV VKSND Tối cao tham gia phiên tòa cấp sơ thẩm và đều không có vấn đề gì.
Sau khi hội ý, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố “tiếp tục xét xử” mà không đưa ra lý do nào để bác bỏ đề nghị của bị cáo hoặc căn cứ nào để chấp nhận ý kiến của KSV. Trong khi đó, để bảo lưu ý kiến của mình, trong quá trình xét xử, bị cáo Hợp đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của KSV Lưu Trọng Nguyên. Còn các LS bào chữa cũng không có ý kiến đối đáp nào với quan điểm của KSV này (chỉ tranh luận với KSV Bùi Hồng Hương).
Tài sản bị CQĐT kê biên có là vật chứng và tài sản của bị hại?
Khi trình bày quan điểm luận tội, cả hai KSV tiếp tục khẳng định, dù vợ chồng Quỳnh Anh đã viết giấy bán nhà đất cho ông Bắc trước khi bị khởi tố nhưng hợp đồng này không có giá trị pháp lý vì chưa được công chứng. Tại CQĐT, vợ chồng Quỳnh Anh đã từng khai nhà đất được hình thành từ tiền vay của các bị hại nên tài sản này vừa là vật chứng, vừa là tài sản đảm bảo thi hành án. Việc CQĐT kê biên là cần thiết, đúng luật, đồng nghĩa với việc bị cáo hủy kê biên, trả lại nhà đất là sai, tạo điều kiện cho Quỳnh Anh tẩu tán tài sản, làm cho các bị hại (trong vụ Quỳnh Anh) mất quyền được bồi thường, gây khiếu kiện phức tạp… KSV đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo từ 5 đến 6 năm tù.
Trước đó, khi trả lời HĐXX, bị cáo Hợp khẳng định mình bị truy tố oan và cho rằng việc mình hủy bỏ kê biên là đúng, xuất phát từ nhận thức rằng, tài sản không phải là tang vật vụ án (hình thành trước khi vụ án xảy ra) và cũng không còn thuộc quyền quản lý, sở hữu sản của vợ chồng bị can Quỳnh Anh. Vợ chồng Quỳnh Anh đã có giấy bán nhà đất cho ông Bắc và không có cơ sở khẳng định các hợp đồng trên là giả tạo, cũng không có bản án nào khẳng định giao dịch trên là vô hiệu hoặc trái luật. Theo quy định của BLDS, nếu hợp đồng này chỉ vi phạm về hình thức thì các bên vẫn được tiếp tục thực hiện và hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Cùng ý kiến này, vợ chồng Quỳnh Anh cũng khẳng định, từ năm 2006 đã mua 12 thửa đất rồi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và tiến hành xây dựng trung tâm tiệc cưới. Đến đầu năm 2008 thì mới có việc vay tiền lãi cao của các bị hại. Việc này đã thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án “lừa đảo” trước đây.
Ngoài ra, vợ chồng Quỳnh Anh còn khẳng định, “chúng tôi không có tranh chấp gì với ông Bắc cả. Đến nay vẫn xác định việc bán nhà đất này là tự nguyện. Còn nếu bảo chúng tôi bán nhà đất nhằm “tẩu tán tài sản” là không đúng vì ông Bắc chuyển tiền vào ngân hàng, trả nợ cho chúng tôi để lấy sổ đỏ. Tiền không vào túi chúng tôi”.
Bào chữa cho ông Bắc, các LS đều khẳng định tại thời điểm CQĐT kê biên thì khu trung tâm tiệc cưới đã thuộc về ông Bắc. Thậm chí, việc này cũng được CQĐT Công an tỉnh Thái Nguyên công nhận tại KLĐT rằng, khu tổ hợp tiệc cưới đã được vợ chồng Quỳnh Anh chuyển nhượng cho ông Bắc với giá hơn 8,3 tỷ đồng. Chính vì vậy, lúc đó, CQĐT chỉ xác định vợ chồng Quỳnh Anh còn tài sản trị giá 1,7 tỷ để trả cho các bị hại (CQĐT đã không tính 8,3 tỷ của ông Bắc vào số tài sản còn lại của vợ chồng Quỳnh Anh để khắc phục hậu quả, trả cho bị hại). Như vậy, ông Hợp hủy kê biên để trả lại khu tổ hợp tiệc cưới cho ông Bắc là phù hợp với đánh giá của CQĐT tại KLĐT, đảm bảo quyền lợi cho người mua hợp pháp. Hơn nữa, việc này còn là kết quả nhận thức chung của tập thể KSV thụ lý vụ án, Trưởng phòng, Phó Viện trưởng phụ trách khối. Không có chuyện biết sai vẫn làm.
Từ căn cứ trên, có LS đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ yêu cầu để điều tra bổ sung về nguồn gốc khu tiệc cưới để khẳng định rõ đây có phải là vật chứng hay không. Có LS thì đề nghị tuyên bố bị cáo không phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật”.
Sau khi nghe bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào sáng 28/5 tới.
Vụ án có hậu quả “vật chất” hay “phi vật chất”?
Phát biểu tại phiên tòa, KSV Lưu Trọng Nguyên cho biết, VKS xác định trong vụ án này không có bị hại. Những bị hại trong vụ vợ chồng Quỳnh Anh lừa đảo chỉ được xác định là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong vụ án này. Còn việc vợ chồng Quỳnh Anh có nghĩa vụ phải bồi thường cho từng người như thế nào sẽ được Tòa án giải quyết trong vụ án tới đây.
Với giải thích trên, một số LS băn khoăn, không hiểu KSV đã dựa vào đâu để cho rằng hành vi của ông Hợp gây hậu quả “nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” trong vụ án này?