Sáng một ngày giữa tháng 5/2018, người nông dân ấy nét mặt suy tư đứng ngắm ruộng lúa xanh mướt mát giữa vùng đất mênh mông bị Donacoop san lấp nham nhở. Anh là Trương Văn Lượm, SN 1972, từng ngụ khu 3, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, TP Biên Hòa, Đồng Nai; nay căng nilon sống tạm bên dòng sông chảy qua làng. Anh là một trong nhiều nông dân Long Hưng bị cưỡng chế phá nhà, lấp lúa, lấy đồ.
Anh kể: “Hôm cưỡng chế, “nó” lấp của em hết mẫu mấy lúa. Miếng ruộng nào mà bị ngăn đường thì “nó” cho xe cuốc múc lúa lên. Miếng ruộng nào gần đường thì “nó” cho xe đổ đất lấp hết. Lúa lúc đó gần trổ rồi, có bắp (đòng) hết”.
“Nó” lấy quá trời đất rồi bỏ đó, em lấy em sạ. Đất không nhiễm mặn, nhiễm phèn, bạc màu gì hết ráo. Ở đây lúa tốt lắm mà “nó” xuyên tạc như vậy. Mùa này em sạ “trộm” được năm mẫu, lúa ngon lắm”.
Và một lần nữa phải khẳng định lại, phải đến tận nơi “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” mới hiểu được từ bao nhiêu năm nay Đồng Nai và Donacoop đã báo cáo gian dối với Trung ương và các bộ, ngành như thế nào trong nhiều vấn đề về cái gọi là “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”.
Quá khứ vựa lúa hơn 700ha
Theo con số thống kê trong một văn bản do UBND xã Long Hưng phát ra cuối tháng 7/2007 (thời kỳ địa phương này đang rục rịch bị dự án của Donacoop xóa trắng), trong số diện tích tự nhiên hơn 1124ha của xã, có hơn 727ha đất nông nghiệp. Người Long Hưng từ thuở khai hoang mở đất đều sống yên ấm nhờ vào cây lúa, vào ruộng đồng. Nhiều nông dân cho biết có một thời gian trước khi Donacoop tới, ruộng ở đây làm ba vụ lúa. Sau này do làm ba vụ dễ mắc sâu bệnh nên nông dân chỉ còn làm hai vụ. Hiệu quả 1ha khoảng chừng 5 – 7 tấn là bình thường.
Có sông rạch, có ruộng vườn, hầu như hộ nào cũng có thêm nghề phụ chăn nuôi gà vịt, nuôi cá. Cá nước ngọt vẫn sống tốt. Đất nhiễm phèn chỉ chiếm khoảng 10%, mà cả miền Nam như vậy chứ không gì chỉ Long Hưng. Đất nhiễm mặn hoàn toàn không có.
Một nông dân cho hay, duy nhất có một khoảng thời gian một số diện tích ruộng lúa tại đây xảy ra chuyện bất thường. Quãng thời gian đó kéo dài 2 - 3 năm liên tục, một số miếng ruộng lúa sạ nhưng không lên được. Sau này tìm hiểu mới biết là do nước xả từ một khu công nghiệp gần đó gây ô nhiễm. Sự cố được khắc phục, khu công nghiệp này sau đã làm hệ thống xả thải đạt chuẩn nên việc sạ lúa trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Văn Nhuần (SN 1964, nguyên đại biểu HĐND xã) cho hay: “Thực tế phải thừa nhận so với nhiều xã khác của huyện Long Thành (Long Hưng khi đó thuộc huyện Long Thành – NV), thu nhập người dân Long Hưng không cao hơn. Tuy nhiên, việc đời sống người dân còn chưa cao, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa xuất sắc còn một phần do sự yếu kém của cán bộ, chưa điều hành nhạy bén trong sản xuất”. Rồi từ khi Donacoop ập đến gạ gẫm bán đất giá rẻ, một số hộ dân đã nghe lời. Donacoop gom đất bỏ hoang, tới năm 2006 đã lên khoảng 200ha.
Vùng đất có vị trí đắc địa, mang đặc trưng sông nước Nam bộ này rất thuận lợi về đường thủy, nên mặt đường bộ sẽ không mạnh bằng. Tuy nhiên, không có chuyện “đò giang cách trở” hay biệt lập đất liền.Trước những năm 1975, đường bộ đi vào xã chỉ có duy nhất lối đi qua cây cầu sắt xây từ những năm 1960. Tới những năm 2000, Long Hưng được xếp vào dạng địa phương đi lại khó khăn bằng đường bộ, nên cấp trên xây dựng cho một số cầu.
Theo ông Nhuần: “Nhà nước chủ trương cho xây tất cả bảy cây cầu, trong đó sáu cây đã hoàn thành, chỉ còn làm đường dẫn lên hai đầu cầu là hoàn tất. Nhưng Donacoop đến, sáu cây cầu đó đã bị dự án “vô duyên vô cớ” này đập bỏ hết hoàn toàn. Cầu xây chưa sử dụng đã bị đập hết. Có lẽ họ đập đi để biến Long Hưng thành “ốc đảo”, từ đó xuyên tạc, lấy cớ cho họ thôn tính đất đai. Hành vi này nếu điều tra, có thể phạm vào tội hủy hoại tài sản”.
“Trường cấp 1 Nhà nước đã cho xây từ lâu, xây kiên cố hai tầng nhưng Donacoop đập nát trường. Trạm y tế xây dựng từ năm 1997, chính tui làm Trưởng Trạm y tế ở đó, Donacoop cũng đập tan nát”, ông Nhuần tố cáo.
Luận điệu “lá mặt, lá trái”
Những tố cáo nêu trên của người dân xã Long Hưng là có cơ sở, khi rà soát lại một số ý kiến, quan điểm của Đồng Nai và Donacoop đánh giá về Long Hưng sau đó. Luận điệu của những đối tượng muốn lấy đất bằng mọi giá để làm dự án trái luật rất “lá mặt, lá trái”, sẵn sàng quay ngoắt thay đổi miễn sao đạt được mục đích “bảo vệ dự án”.
Chỉ tội vùng đất Long Hưng, lúc bị nâng lên “đất đai màu mỡ”, lúc bị dìm xuống tưởng như đây là một “vùng đất chết”: “Gần 900 ha toàn xã là vùng sình lầy, nhiễm phèn. Đời sống người dân vô cùng khó khăn. Đất ngày càng nhiễm phèn nặng đến nỗi không thể canh tác nông nghiệp. Đường, trường, trạm càng không có”.
Hơn 12 năm trước, ngày 17/5/2006, Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai có Công văn số 85-CV/KT về việc xin chủ trương lập dự án liên doanh đầu tư tại Long Hưng, nêu rõ: “Khai thác được tiềm năng, thế mạnh của khu vực mà dự án đầu tư có đất đai màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên sông nước, không gian yên tĩnh, phù hợp với các dự án sinh thái, văn hóa”.
Trong một biên bản làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai ngày 28/7/2006, ý kiến của đại diện Donacoop cũng cho rằng: “HTX nhận thấy xã Long Hưng là nơi có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế, có cảnh quan sông nước đẹp, nguồn tài nguyên tương đối dồi dào…”.
Thông báo số 7995/TB-UBND ngày 20/11/2006 về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh tại buổi làm việc nghe báo cáo quy hoạch chung xã Long Hưng ngày 10/11/2006, do ông Phạm Xuân Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh ký, nêu: “Khảo sát, đánh giá kỹ những thuận lợi được thiên nhiên ưu đãi của vùng đất bán sơn địa, nhiều sông ngòi, kênh rạch để đưa ra giải pháp phù hợp, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đồng thời bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên… Trong đó lưu ý cần đặt biệt quan tâm khai thác yếu tố giao thông thủy để làm nổi bật tính chất đặc trưng của vùng đất”.
Thế nhưng gần đây, sau khi dự án trái luật bị phanh phui, trong một văn bản phát đi ngày 27/2/2018, ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Donacoop, lại “quay ngoắt” cho rằng: “Thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng, Donacoop đã phải trải qua muôn vàn gian nan. Cách đây 10 năm, gần 900 ha của toàn xã Long Hưng là vùng sình lầy, nhiễm phèn. Đời sống người dân vô cùng khó khăn. Đất ngày càng nhiễm phèn nặng đến nỗi không thể canh tác nông nghiệp, người dân phải sống, sinh hoạt bằng nước sông. Các điều kiện ăn ở, vệ sinh vô cùng thiếu thốn. Đường, trường, trạm càng không có. Nhiều hộ dân sống gần như tách biệt với xung quanh”.
Ông Nhuần phẫn nộ: “Nếu muốn nói đất nhiễm phèn, nhiễm mặn phải chuyển mục đích khác thì phải có cơ quan kiểm định, đánh giá đàng hoàng. Mà phải cấp từ bộ ngành, cục trở lên mới được quyền. Nếu thấy rằng đất đó nhiễm mặn, không sản xuất được mới chuyển đổi. Chứ không phải mượn cớ gom hết đất lại rồi bỏ hoang đổ thừa cho người dân, nói đất không sản xuất kinh doanh được, xuyên tạc đất phèn mặn thì quá dối trá, bịp bợm”.
“Báo cáo dối trá như vậy rồi tỉnh cấp phép đầu tư trái thẩm quyền, rồi chuyển đổi đất trái thẩm quyền. Đến khi đổ bể thì Đồng Nai tiếp tục báo cáo láo, lấy danh nghĩa “Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ” cho phép thực hiện dự án. Thực ra đây là “Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất 2009-2010 tỉnh Đồng Nai”, là định mức sử dụng đất làm cái gì bao nhiêu ha, chứ không phải là quyết định quy hoạch tổng thể, không phải là quyết định cho phép Đồng Nai xóa sổ xã Long Hưng lập dự án phân lô bán nền. Quả là “vô thiên vô pháp”, ông Nhuần tố cáo.
Sự trí trá của Đồng Nai và Donacoop còn thể hiện trong các vấn đề khác như thu hồi bồi thường đất, cấm người dân tại Long Hưng thực hiện các quyền liên quan đến đất đai trong hàng chục năm trời… Mời bạn đọc đón đọc kỳ tiếp theo trên số báo ra ngày thứ Hai, 28/5/2018.