Dự án bị dừng, tài trợ bị cắt vì xã có 500 cán bộ

Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên Thủ tướng Chính phủ khẳng định, số cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã Quảng Vinh chỉ có 205 người, khác với thông tin nói xã này có đến 500 cán bộ. Trong khi đó, hệ lụy của nó thì thấy rõ, dự án đã động thổ phải đình hoãn, các mạnh thường quân là con em làm ăn ở xa cũng “cắt” nguồn “viện trợ”…

Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên Thủ tướng Chính phủ khẳng định, số cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã Quảng Vinh chỉ có 205 người, khác với thông tin nói xã này có đến 500 cán bộ. Trong khi đó, hệ lụy của nó thì thấy rõ, dự án đã động thổ phải đình hoãn, các mạnh thường quân là con em làm ăn ở xa cũng “cắt” nguồn “viện trợ”…

“Dừng lại” ở 205 người

Trước đó, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin xã Quảng Vinh có đến “500 cán bộ”, số “cán bộ” này bao gồm cả xã và thôn.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo công văn số 4715 (ngày 9/7/2012) của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng, tính tổng số lượng cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã Quảng Vinh thì chỉ “dừng lại” ở 205 người.

Báo cáo 4715 cho biết, là xã loại 1, xã Quảng Vinh có diện tích 473,79ha, gồm 15 thôn, 2.202 hộ dân và 9.066 nhân khẩu. Theo đó, cán bộ công chức cấp xã chỉ có 22 người (gồm 11 cán bộ, 11 công chức), thấp hơn so với Nghị định 92. Người hoạt động không chuyên trách có 17 chức danh, bố trí 18 người, thấp hơn 4 người so với Nghị định 92. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn có 45 người (mỗi thôn có 3 người để đảm nhận chức danh Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên). Tổ an ninh thôn có 30 người, thôn đội trưởng 15 người, trưởng các chi hội, đoàn thể ở thôn có 75 người.

Báo cáo này khẳng định “tổng số lượng cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã Quảng Vinh là 205 người”, chứ không phải có “500 cán bộ” như thông tin trước đó. Liên quan đến các khoản thu, báo cáo cũng nêu rõ “thôn thu ít nhất là 2 khoản, thôn nhiều nhất là 7 khoản”, hoàn toàn không có chuyện thu 19 khoản như thông tin trước đó đăng tải.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, ông Trần Thế Lưu, nói “Quảng Vinh là xã đông dân số nhất huyện Quảng Xương, nhưng nói xã này có 500 cán bộ thì không có  việc đấy”.

Trong khi đó, ông Lê Quang Bảo, Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh, cho hay, khi thông tin xã “có 500 cán bộ” xuất hiện thì gần như ngay lập tức gây nên “cú sốc trong phạm vi cả nước”. “Con em làm ăn ở ngoài hoang mang, theo đó, các mạnh thường quân là con em, doanh nghiệp là người địa phương làm ăn xa nhà đồng loạt “cắt” hết các khoản tài trợ, ủng hộ. Mọi năm kêu gọi ủng hộ được hàng trăm triệu, nhưng năm nay họ nói không tiếp tục gửi tiền nữa, gửi để nuôi cán bộ à”, ông Bảo, chia sẻ.

Dự án đình trệ

Cái khó tiếp tục kéo theo, ngân sách của xã Quảng Vinh ngày càng teo tóp. Người đứng đầu xã Quảng Vinh nói rằng, chỉ tiêu thu ngân sách của xã này năm 2012 là 500 triệu đồng, tuy nhiên, bây giờ đã là đầu tháng 9, sắp hết năm, nhưng chỉ thu được … 30 triệu đồng!. “Đến giờ một số nguồn rất tắc, chương trình nông thôn mới cũng rơi vào bế tắc, khó tìm người người hiến đất, khó tìm người hiến công. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn”, ông Bảo, cho hay.

Ông Bảo nói rằng, 205 cán bộ và những người hoạt động không chuyên trách ở xã Quảng Vinh, thực tế là những người “hưởng thụ rất ít” nhưng đóng góp của họ lại rất lớn. Ông đưa ra ví dụ, chi hội trưởng các đoàn thể mỗi vụ lúa được trả 1 tạ thóc, tính ra tiền, bình quân mỗi người được 83.000đ/tháng.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Vinh, ông Đinh Công Hải, thì Quảng Vinh từ một xã nghèo, mà minh chứng của “cái nghèo” đó thể hiện ở ngay trụ sở cấp bốn cũ của xã nằm cách trụ sở mới có 300m. Có cơ ngơi như ngày hôm nay với nhà tầng khang trang là công sức của những người “vác tù và hàng tổng”, thực tế số tiền 83.000 đồng mỗi tháng “không đủ tiền xăng dầu cho anh em đi vận động”.

Gia đình nông dân Nguyễn Đức Thành (thôn 2, xã Quảng Vinh) sống ngay bên cống 5 – cửa Trường Lệ, nơi cuối dòng sông đổ nước ra biển. Con sông mấy năm nay hôm thì nước đục, hôm thì đen kịt vì ô nhiễm, bốc mùi khó ngửi. Những thứ ô nhiễm đó đã “khóa” nguồn nước sinh hoạt của người dân từ con sông này. Thiếu nước sạch, gia đình nông dân Thành nhiều hôm phải ra Sầm Sơn xin nước. “Khi có chủ trương xã và nhân dân làm nước sạch thì chúng tôi tham gia ngay. Mới đây nghe tin dự án động thổ nên chúng tôi mừng lắm, nhưng bây giờ ngừng hết…”, ông Thành cung cấp thông tin.

Dự án nước sạch cho người dân Quảng Vinh với tổng mức đầu tư lên đến trên 10 tỷ đồng. Mỗi hộ dân sẽ được vay Ngân hàng Chính sách xã hội 4 triệu đồng, trong đó xã Quảng Vinh hỗ trợ 2 triệu đồng để làm. Tuy nhiên, theo trưởng thôn 2, ông Nguyễn Xuân Thanh, thì dù “dự án đã mời thầy cúng động thổ rồi nhưng phải dừng lại vì thông tin xã … có 500 cán bộ!”.

Như Trang

Đọc thêm