Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành: Hỗ trợ tái định cư, đền bù thỏa đáng cho các hộ dân chịu ảnh hưởng

(PLVN) - Đây là ý kiến được Đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) chiều 25/5.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại phiên họp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án có phạm vi đầu tư khoảng 128,8km, trong đó tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông có chiều dài 27,8km; qua địa phận tỉnh Bình Phước dài 101km, bao gồm cả 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có quy mô 6 làn xe.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Việc chuẩn bị dự án sẽ thực hiện trong năm 2023 và 2024; giải phóng mặt bằng năm 2024 và năm 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Các ý kiến nhấn mạnh, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng.

Đồng tình với chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù cho Dự án, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhận định, từ trước đến nay, các cơ chế, chính sách đặc thù luôn phát huy hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, các “nút thắt” của các cơ chế, chính sách thông thường, giúp cho các chương trình, dự án được hoàn thành đúng tiến độ.

Do vậy, Đại biểu đề xuất với tuyến cao tốc này và cả dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nên tạo tiền lệ thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Tán thành việc đầu tư theo phương thức PPP của Dự án, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về tính khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư, cơ cấu vốn góp, khả năng, tiến độ góp vốn của nhà đầu tư và nguồn vốn ngân sách địa phương để bảo đảm tiến độ của dự án.

Theo Tờ trình, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.111 ha (tỉnh Đắk Nông khoảng 261 ha, tỉnh Bình Phước khoảng 850 ha). Trong đó, đất trồng lúa khoảng 2 ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.051 ha; số hộ dân bị ảnh hưởng khá lớn, với khoảng hơn 1.229 hộ.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo 2 tỉnh liên quan đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ tái định cư hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng để các hộ dân sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất, không chỉ giải quyết về chỗ ở mà còn phải giải quyết về việc làm cho người dân.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nêu rõ, trong 1.229 hộ dân bị ảnh hưởng thì có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn về sự cần thiết và ý nghĩa của Dự án, tạo sự đồng thuận cao.

Cũng trong chiều 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương liên quan rà soát và quyết định danh mục cụ thể để bảo đảm tránh bỏ sót đối tượng được đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị, Chính phủ và các cơ quan chủ trì cần chú ý tới tiến độ thực hiện, chất lượng thực hiện chương trình cũng như tiến độ giải ngân vì thời gian của kế hoạch 5 năm 2021-2025 còn lại rất ít, trong khi đó tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu và giải ngân các nguồn vốn chưa tương xứng.

Đọc thêm