“Ngâm Kiều toàn truyện” là dự án tôn vinh một lối ngâm độc đáo được sinh ra gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam, đó là ngâm Kiều gắn liền với Truyện Kiều. Lối ngâm này còn được các nghệ sĩ nghệ thuật và âm nhạc truyền thống dân tộc gọi là lẩy Kiều. Thông qua dự án, có thể thấy, bên cạnh đóng góp cho văn học, Truyện Kiều có vị trí hết sức thú vị bởi qua đó ông cha ta đã sáng tạo riêng một lối hát dành cho những câu Kiều.
Để khán giả dễ dàng tiếp cận, nhóm dự án chia thành 12 chương theo nội dung của truyện: Kiều thăm mộ Đạm Tiên, Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, Kiều rơi vào tay Tú Bà, Mã Giám Sinh, Kiều mắc lừa Sở Khanh, Kiều gặp Thúc Sinh, Kiều gặp Hoạn Thư, Kiều gặp Từ Hải, Kiều báo thù, Từ Hải mắc lừa, Kiều tự vẫn, Kim Trọng đi tìm Kiều, Kiều và Kim Trọng đoàn tụ.
Các chương này sẽ được lần lượt giới thiệu vào 20h các ngày thứ Ba, Năm, Bảy từ ngày 1/4 đến ngày 24/4/2021 trên kênh Youtube Dân ca & Nhạc cổ truyền do nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập, giới thiệu và tôn vinh nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.
Dự án được Nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long ấp ủ từ rất lâu. Anh coi đây là một công trình rất lớn, muốn thực hiện cần có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng và cần có một khoản kinh phí tương đối để vận hành.
Quang Long xác định việc thực hiện dự án nằm ngoài khả năng cá nhân và chia sẻ ý tưởng của mình với NSND Thanh Hoài và nghệ sĩ Phạm Dũng. Cùng thời điểm này, nhạc sĩ Quang Long chia sẻ với một thành viên Qũy Thiện Tâm và được khuyến khích gửi ý tưởng dự án đến Qũy.
Dự án sau khi chia sẻ được nhiều nghệ sĩ uy tín ủng hộ. Theo đó, các nghệ sĩ đảm nhiệm phần ngâm Kiều có: NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh, Văn Phương, Thúy Nga. Dàn nhạc là các nghệ sĩ: Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Tiến Trung (sáo, bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị). Phần thu âm được thực hiện tại phòng thu cá nhân của nghệ sĩ Chu Cường. Đảm nhiệm phần vẽ tranh minh họa là nhóm của họa sĩ Nguyễn Quỳnh; phần kỹ thuật dựng do Ngọc Tiến thực hiện.
Nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ, không phải ngẫu nhiên mà học giả Phạm Quỳnh trong những năm 30 của thế kỷ trước đã nói “Truyện Kiều còn, nước ta còn”. “Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cùng các nghệ sĩ dự án hoàn toàn tôn trọng cụ Nguyễn Du, không sửa đổi bất cứ từ nào nhưng vẫn truyền đạt cho chúng ta được cảm xúc cá nhân của các nghệ sĩ đương đại bằng cách thể hiện. Tôi rất khâm phục”, ông Hồng Thanh Quang nói.
Cùng quan điểm, NSND Thanh Hoài cho biết: “Tôi rất vui khi nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long thực hiện dự án ngâm thơ cổ, lẩy Kiều cổ cha ông ta để lại từ xa xưa. Và đây cũng là tiếng lòng của nhiều người dân Việt Nam khi ru con, khi bồng con… Tôi nghĩ cần giữ lại vốn cổ của cha ông để truyền lại cho đời con cháu, để mai sau con cháu cần biết thế nào là ru em, lẩy Kiều”.
“Nói đến “Kiều” là nói đến tiếng Việt, nói đến thơ lục bát mà Nguyễn Du dùng để biểu đạt tiếng Việt ấy. Từ khi có Kiều, có một loạt hoạt động văn hóa dân gian gắn với Truyện Kiều: bói Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, ví Kiều, dặm Kiều…
Chữ “Kiều” này không phải tên nhân vật nữa mà là một giá trị văn hóa, một kiểu thơ lục bát. Nhiều người trẻ như nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đang tìm về với vốn cổ với kho báu của tiền nhân. Đó là sự đáng trân trọng đối với các bạn trẻ thời 4.0” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.