Dự án Đại học Huế 26 năm vẫn ngổn ngang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã hơn 26 năm kể từ ngày được phê duyệt, nhưng dự án Đại học Huế vẫn còn ngổn ngang khiến nhiều hộ dân phải sống trong cảnh "đi không được, ở chẳng xong".
Căn nhà của bà Dậu đã hư hỏng, xuống cấp lâu năm nhưng vẫn không được sửa chữa do nằm trong khu quy hoạch dự án. (Ảnh trong bài: Thùy Nhung)
Căn nhà của bà Dậu đã hư hỏng, xuống cấp lâu năm nhưng vẫn không được sửa chữa do nằm trong khu quy hoạch dự án. (Ảnh trong bài: Thùy Nhung)

Người dân mong mỏi sớm ổn định cuộc sống

Khu quy hoạch Đại học Huế tại khu vực Trường Bia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, có tổng diện tích 135ha, được chia thành hai giai đoạn. Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Đại học Huế với tổng diện tích 113,54ha; dân số hiện trạng thời điểm đó là 1.845 người.

Trong khu quy hoạch này có gần 200 ngôi nhà, nhiều ngôi mộ cần di dời, giải tỏa. Nhưng tính đến nay, đã 26 năm quy hoạch, thì làng đại học hoàn chỉnh hiện đại như mong đợi vẫn chỉ là bãi đất trống ngổn ngang. Nhiều hộ dân vẫn chưa được di dời, giải tỏa, phải sống “treo” theo dự án.

Đứng trong căn nhà vách tường bờ lô, mái tôn đã xuống cấp, bà Bùi Thị Dậu (55 tuổi, phường An Cựu) nói đã sống ở đây từ năm 1994, nhiều năm nay nhà cửa hư hỏng, xập xệ nhưng vì nằm trong quy hoạch nên không thể sửa chữa hay xây mới lại nhà kiên cố, mỗi mùa mưa bão về lại thấp thỏm, lo âu. “Giờ chỉ mong dự án sớm triển khai để chúng tôi có thể di dời đến nơi mới, nhằm ổn định cuộc sống”, bà Dậu nói.

Cạnh đó, trong căn nhà tạm, bà Nguyễn Thị Quyên (56 tuổi) nói: “Nếu phải nhường đất cho dự án, mong cơ quan thẩm quyền xem xét để chúng tôi được di dời, còn không hãy tạo điều kiện để người dân có thể sửa chữa, xây mới nhà cửa. Chứ sống trong cảnh nhà cửa chật hẹp, xuống cấp như này, quá cực khổ”.

Nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, cải thiện môi trường sống của người dân trong khu quy hoạch Đại học Huế, đồng thời tạo quỹ đất phục vụ công tác tái định cư phục vụ dự án xây dựng Đại học Huế và một số dự án khác, năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế.

Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng & Phát triển đô thị tỉnh (QLDA) làm chủ đầu tư; có diện tích hơn 13ha được xây dựng tại phường An Tây, TP Huế, với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng. Hiện hạ tầng khu tái định cư đã được thi công hoàn thiện phần san nền toàn bộ khu vực được giải phóng mặt bằng (GPMB) và chia thành 522 lô.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, dự án có tổng diện tích thu hồi khoảng 11ha, gồm đất nông nghiệp, đất nghĩa địa, đất ở và các loại đất khác. Đến nay, UBND TP đã phê duyệt danh sách đền bù 949/951 ngôi mộ trong diện di dời GPMB, với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng, còn 2 hộ chưa đồng ý di dời; phê duyệt các thửa đất nông nghiệp, với giá trị hơn 7 tỷ đồng, các hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, còn lại 1 trường hợp chưa bàn giao. Với đất ở, nhà ở, theo dự kiến ban đầu có 164 hộ có đất bị thu hồi.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế bị ngưng trệ từ 2023 đến nay. Theo ông Trương Ngọc Huy, Giám đốc Ban điều hành dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế, giai đoạn 1 của dự án sẽ triển khai trên diện tích đất 8,2ha, công tác GPMB đã thu hồi được 3,5ha đất nông nghiệp. Hiện nay công trình ngưng thi công là do phải chờ điều chỉnh quy hoạch.

Khu tái định cư Đại học Huế ngưng thi công vì phải điều chỉnh quy hoạch.

Khu tái định cư Đại học Huế ngưng thi công vì phải điều chỉnh quy hoạch.

Theo phương án phê duyệt quy hoạch cũ trước đây, trong khu vực thực hiện dự án hiện có 164 hộ dân tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, thực hiện theo phương án này rất khó khăn, cần nguồn kinh phí lớn. 164 hộ dân này muốn tái định cư tại chỗ thì phải hoàn thiện một khu vực hạ tầng riêng, hoàn thiện, phân lô xong quay trở lại làm công tác đền bù GPMB. Trong khi đó, việc thi công đấu nối hạ tầng, cấp nước, cấp điện… phải đi qua diện tích đất của dân cư hiện hữu; trong khi chủ đầu tư chưa đền bù cho người dân; thì không thể thực hiện được.

Mặt khác, việc đầu tư hạ tầng phải đồng bộ. Vậy nên, phương án điều chỉnh quy hoạch sẽ hạn chế đền bù GPMB, hạn chế thấp nhất tác động đến diện tích đất của khu dân cư hiện hữu càng nhiều càng tốt.

“Hiện nay, chủ đầu tư đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan về việc lấy ý kiến của sở, ngành và cộng đồng dân cư về điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) điều chỉnh và mở rộng khu tái định cư Đại học Huế. Việc điều chỉnh mất khá nhiều thời gian. Dự kiến sau khi hoàn thiện các thủ tục như điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, công trình mới khởi động trở lại”, ông Huy cho biết thêm.

Mới đây, kết luận tại buổi họp nghe báo cáo và giải quyết vướng mắc của dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Hải Minh yêu cầu Ban QLDA khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư Đại học Huế theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo 214/TB-UBND ngày 26/5/2023. Giao UBND TP Huế chủ trì, phối hợp Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB phần đất còn lại để bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Đọc thêm