Dự án đầu tư công: Cần đề cao vai trò giám sát của người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, TCty (cơ quan).
Kiểm tra, giám sát chất lượng vật liệu thi công cầu Triều (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).
Kiểm tra, giám sát chất lượng vật liệu thi công cầu Triều (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).

Phát hiện 923 dự án gây thất thoát, lãng phí

Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2020, có 70.679 dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước được thực hiện đầu tư, trong đó có 32.120 dự án chuyển tiếp, chiếm 45,44% và 38.599 dự án khởi công mới, chiếm 54,55%. Trong các dự án khởi công mới có 73 dự án nhóm A, 976 dự án nhóm B và 37.510 dự án nhóm C.

Trong 31.799 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2020, có 277 dự án phát hiện có vấn đề kỹ thuật, không có hiệu quả. Trong năm cũng ghi nhận có 3.342 dự án thực hiện đầu tư phải điều chỉnh mục tiêu, quy mô, tiến độ dự án và khoảng 1.867 dự án chậm tiến độ.

Trong năm 2020 có 33.433 dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, đạt tỷ lệ 47,3%. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành kiểm tra 18.109 dự án chiếm 25,6%, tổ chức đánh giá được 27.717 dự án, chiếm 39,2% tổng số dự án thực hiện trong kỳ.

Qua kiểm tra trong năm phát hiện 51 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 17 dự án vi phạm quản lý chất lượng, 923 dự án có thất thoát lãng phí. Các địa phương “đội sổ” có số dự án phát triển có thất thoát, lãng phí là Bắc Giang (864), Hà Tĩnh (34), Thanh Hóa (19)… Các dự án thất thoát, lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh quyết toán, kiểm toán.

Tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng là vấn đề lớn trong đầu tư công. Báo cáo cho thấy tổng số vốn thanh toán nợ đọng năm năm lên tới 10.003 tỷ đồng nhưng số nợ đọng còn lại vẫn rất lớn, hiện vẫn còn nợ 9.923 tỷ.

Một số bộ ngành, địa phương để nợ đọng trong xây dựng cơ bản lớn như Ninh Bình 5.596 tỷ, Lạng Sơn 1.582 tỷ đồng, Phú Thọ 755 tỷ, Quảng Ninh 715 tỷ... Theo Bộ KH&ĐT, trường hợp số nợ đọng phát sinh từ 1/1/2015 trở đi là không phù hợp quy định của Luật Đầu tư công.

Ông Đoàn Đức Thuận, Trưởng Ban giám sát đầu tư cộng đồng phường 3, TX Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị kiểm tra một công trình xây dựng trên địa bàn (Ảnh: quangtri.gov.vn)

Ông Đoàn Đức Thuận, Trưởng Ban giám sát đầu tư cộng đồng phường 3, TX Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị kiểm tra một công trình xây dựng trên địa bàn (Ảnh: quangtri.gov.vn)

Vai trò quan trọng của công tác giám sát cộng đồng

Năm 2020, có 45/63 tỉnh thành có số liệu tổng hợp báo cáo về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, 18 địa phương không có số liệu. Báo cáo của 45 địa phương cho thấy đã có 24.393 dự án được giám sát đầu tư của cộng đồng, trong đó 9.876 dự án đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP. Thông qua giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện 663 dự án có vi phạm, 892 dự án đã có thông báo kết quả xử lý vi phạm, 499 dự án chủ đầu tư đã thực hiện khắc phục vi phạm theo thông báo.

Theo Bộ KH&ĐT, công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đã kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng những vụ việc cần chấn chỉnh, xử lý, kiến nghị những vụ việc làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, an toàn, vệ sinh môi trường; góp phần hạn chế việc tiêu cực, lãng phí ngân sách, tiền của nhân dân.

Bộ KH&ĐT kiến nghị cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo và tạo điều kiện phát huy vai trò hoạt động của Ban giám sát, quan tâm tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị hiểu rõ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng là tổ chức giám sát của nhân dân.

“Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được tiếp cận, nghiên cứu thông tin các dự án, công trình sẽ thi công trên địa bàn, bố trí kinh phí cho tổ chức này hoạt động. MTTQ các cấp tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác giám sát, nhất là người có am hiểu về đầu tư, xây dựng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các tiêu cực trong quá trình thi công”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.

Bộ KH&ĐT cho rằng dù các cơ quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, tổng hợp số liệu báo cáo, tình hình thực hiện vốn đầu tư trong năm 2020 chưa đạt kế hoạch, nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh còn cao.

Trong khi nguồn vốn còn hạn chế, việc giải ngân không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế; các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và hiệu quả đầu tư.

Bộ KH&ĐT cảnh báo, thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nên cần xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án thực hiện đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.

Đọc thêm