Phải tạo được khuôn khổ pháp lý có sức sống lâu bền
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP đoàn Hà Nội) băn khoăn về tính ổn định của văn bản. Theo ĐB, Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan, tác động trực tiếp đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia nhưng đây cũng là một trong những luật có đời sống ngắn nhất khi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa bao quát được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Vì vậy, ĐB đề nghị ở lần sửa đổi này cần đánh giá một cách bao quát, đầy đủ các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, theo đó cần khắc phục một cách triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền và tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Về phạm vi sửa đổi, ĐB Mai cho rằng vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều mà quan trọng là phải lựa chọn những vấn đề thực sự cần thiết, thực sự bức thiết để đưa vào sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc để nếu thấy rằng có những quy định là vật cản cho quá trình phát triển mà không đưa vào phạm vi sửa đổi. Xuất phát từ quan điểm đó, ĐB đề nghị cần phân định, bóc tách cụ thể những hạn chế nào thuộc về cơ chế, chính sách và thể chế pháp luật, những hạn chế nào do con người, do quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần lắng nghe ý kiến từ các địa phương, đặc biệt là từ cơ sở về quy trình đầu tư công, ý kiến từ các nhà tài trợ về quản lý về nguồn lực ODA.
Về các vấn đề cần sửa đổi, ĐB Mai cho rằng dự thảo luật chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra, đồng thời cũng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hiệu quả dự án, nhất là trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Do đó, ĐB đề nghị ở lần sửa đổi này cần bổ sung các tiêu chí đánh giá dự án và hiệu quả đầu ra, kiên quyết không đưa vào kế hoạch những dự án chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế - xã hội, không phân bổ cho các dự án ở giai đoạn sau nếu chưa làm rõ hiệu quả đầu tư ở giai đoạn trước, đồng thời cũng bổ sung các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hiệu quả đầu tư.
Quy định cụ thể về công khai, minh bạch
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đồng tình với quan điểm trọng tâm của việc sửa đổi luật lần này là tháo gỡ các vướng mắc về quy trình, thủ tục phức tạp có liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp, vừa làm mất thời gian, vừa không gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định chủ trương và phê duyệt các dự án đầu tư.
Góp ý về dự án luật, ĐB Cường cho biết, trong quy trình hiện hành, khi phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư đều có một bước thành lập hội đồng thẩm định để dựa trên ý kiến của hội đồng các cấp thẩm quyền sẽ ra quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, về bản chất quyết định đầu tư là một quyết định mang tính hành chính, nhà nước chứ không phải là quyết định chuyên môn mà chỉ có quyết định chuyên môn thì mới phải dựa vào hội đồng chuyên môn như các hội đồng khoa học chuyên ngành.
“Có ý kiến cho rằng việc thành lập các hội đồng chuyên môn thực chất là hiện thực hóa ý kiến, ý chí chủ quan của người có thẩm quyền quyết định bằng bình phong là hội đồng để khi có hậu quả xảy ra thì không có ai phải chịu trách nhiệm vì đó là ý kiến của hội đồng đưa ra. Nếu cứ tiếp tục duy trì cơ chế lấy hội đồng làm lá chắn như thế này thì chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều dự án đầu tư công thất thoát hoặc đầu tư không đúng nhưng không ai phải chịu trách nhiệm”, ĐB nói.
Do vậy, ĐB đề nghị cần quy định lại quy trình là đơn vị đề xuất đầu tư thì phải lập và phải chịu trách nhiệm về thông tin, hồ sơ dự án; đơn vị, cơ quan có chức năng quản lý đầu tư phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án nếu cơ quan thẩm định hoặc người có thẩm quyền quyết định mà chưa đủ thông tin cần tham khảo thêm thì có thể thuê chuyên gia hoặc lập các hội đồng nhưng hội đồng này chỉ là các hội đồng tư vấn chứ không phải là căn cứ để ra các quyết định chủ trương.
Theo ĐB, việc quy định như vậy vừa đơn giản hóa quy trình, rút gọn thời gian phê duyệt dự án vừa làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của những cơ quan và người đứng đầu trong các quy trình quyết định về đầu tư công.
Về công khai minh bạch trong đầu tư công, ĐB Cường cho rằng dự án đầu tư công sử dụng tiền công thì phải công khai cho người dân được biết chi tiết đầu tư làm gì, đầu tư như thế nào và việc sử dụng vào đó các yếu tố đầu tư ra sao cũng như giải pháp, quy trình kỹ thuật thi công.
“Quy định hiện hành đã có điều 14 về công khai, minh bạch trong đầu tư công nhưng trong đó chỉ có các quy định chung còn những vấn đề người dân cần biết, quan tâm thì chưa thấy. Do đó, cần quy định công khai chi tiết, đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, trừ những dự án thuộc dạng bí mật nhà nước hay công trình an ninh quốc phòng quan trọng của quốc gia. Tôi tin tưởng rằng nếu thực hiện công khai như vậy thì công chúng sẽ là những người biết rất rõ, khi đó sẽ không thể có những khuất tất trong thiết kế, thẩm tra, không có cắt xén hay gian dối trong quá trình thi công vả thực hiện dự án. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện quyền giám sát của người dân, của cộng đồng, mặt trận Tổ quốc khi thực hiện giám sát đầu tư công”, ĐB nói.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cũng chỉ ra rằng luật Đầu tư công ban hành và có hiệu lực 3 năm nhưng các văn bản hướng dẫn mới ban hành 1 năm trở lại đây nên việc đánh giá tác động triển khai thực hiện luật là chưa toàn diện, chưa đầy đủ.
Theo ĐB, việc áp dụng luật thời gian qua vướng mắc chủ yếu là do khâu thi hành và vấn đề về kỹ thuật nên việc áp dụng luật ở địa phương, cơ sở là lúng túng. Với nhận định như vậy, ĐB đề nghị phạm vi sửa đổi nên tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số điều thật sự cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Đồng thời ĐB đề nghị Chính phủ có chỉ đạo, hướng dẫn thi hành luật rõ ràng, kịp thời để pháp luật về đầu tư công được thực hiện tốt hơn.
ĐB cũng đánh giá dự luật chưa sửa đổi các quy định liên quan đến công khai minh bạch trong quản lý đầu tư công và việc theo dõi giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công. Bên cạnh đó, ĐB cho rằng dự luật bổ sung quy định “Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định đầu tư được phép quyết định hình thức tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án” sẽ dễ dẫn đến tùy tiện và việc xin ý kiến có thể trở lên hình thức, không hiệu quả.