Dự án điện gió đối mặt nhiều khó khăn

(PLVN) -  Chưa đến 2 tháng nữa, thời hạn cuối cùng của FIT (cơ chế giá khuyến khích nguồn năng lượng tái tạo) dành cho điện gió kết thúc. Bởi vậy nhiều ý kiến nhận định khả năng cán đích của toàn bộ dự án đã đăng ký để hưởng cơ chế giá FIT khó khả thi.
Vận chuyển thiết bị phục vụ dự án điện gió.

Khó đảm bảo tiến độ để hưởng cơ chế giá khuyến khích

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 8/2021 đã có 12 tua bin của 3 nhà máy điện gió, với mức công suất gần 50 MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD). Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 8/2021, đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW đi vào vận hành thương mại.

Trong khi trước đó, thông tin từ EVN cho biết thêm, tính đến đầu tháng 8/2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió đã gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện - hòa lưới, thử nghiệm, để đề nghị công nhận vận hành thương mại. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại của 106 nhà máy điện gió trên là 5.655,5 MW.

Một chuyên gia về năng lượng tái tạo (NLTT) đánh giá rằng, con số 50 MW vận hành thương mại trong 1 tháng trong giai đoạn về đích như hiện nay là quá thấp. Nó thể hiện những khó khăn rất lớn đã, đang và sẽ đến đối với các chủ đầu tư điện gió.

Cũng theo vị chuyên gia trên, trong giai đoạn giãn cách xã hội đến 2-3 tháng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, rất nhiều hoạt động đứng im hoặc vận hành với công suất rất thấp thì việc các dự án điện gió không thể về đích đúng hạn để hưởng FIT2 vào ngày 31/10/2021 là điều đương nhiên.

Đảm bảo vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch

Cộng thêm nhiều vấn đề khác, có thể gia tăng sức ép tới các chủ đầu tư điện gió như những yêu cầu đề nghị thu hồi giấy phép vận tải thiết bị siêu trường siêu trọng trong giai đoạn các doanh nghiệp di chuyển thiết bị do hiện tượng cầu, đường yếu hoặc liên quan đến quy định phòng chống dịch.

Cụ thể, mới đây, “ông lớn” Trungnam Group đã bị thu hồi tới 25 giấy phép vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng do 8 công nhân vận chuyển thiết bị cho doanh nghiệp này bị dương tính với COVID-19.

Trước sự việc này, Trungnam Group đã ra thông báo cho biết, nhóm công nhân này là nhân sự của đối tác vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng cho TrungNam, đã được trang bị và thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết như đảm bảo tuân thủ 5K, thực hiện test COVID-19 định kỳ 72 giờ, giữ khoảng cách an toàn, di chuyển từ cảng Ba Son đến Dự án ở Đắk Lắk theo đúng tuyến đường cho phép và không di chuyển đến các nơi khác.

Tuy nhiên, nhóm công nhân đã chủ động đi về địa phương nơi cư trú để cách ly và sử dụng giấy test Covid còn hiệu lực nằm ngoài kiểm soát của Trungnam Group. Hiện doanh nghiệp đã rà soát lại và củng cố các biện pháp phòng dịch đầy đủ, đảm bảo không để xảy ra các tình huống có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như thực hiện thuê các địa điểm lưu trú cố định, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người dân và đảm bảo tuân thủ các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch Covid của địa phương nơi phương tiện vận chuyển đi qua.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyện xảy ra với Trungnam Group là một bài học cho nhiều DN thực hiện các dự án điện gió, cần phải cẩn trọng và sát sao với từng hoạt động để vừa sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch.

“Trong giai đoạn hiện nay mà xảy ra bất cứ sự việc gì ảnh hưởng đến tiến độ dự án thì chủ đầu tư cầm chắc chuyện không thể về đích đúng hạn. Trong khi chủ đầu tư cũng không được nhận bồi thường gì từ phía đối tác cung cấp thiết bị do dịch bệnh được nhận định là tình hình bất khả kháng. DN trong nước sẽ thiệt đơn thiệt kép”, một chuyên gia về NLTT nói.

Trước đó, nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Ninh Thuận… đã kiến nghị kéo dài thời hạn FIT. Đây được xem là một cách “chia lửa” với những khó khăn khó có thể vượt qua đối với các chủ đầu tư điện gió trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm