Dự án Đồi 79 Mùa Xuân: Tiếng kêu cứu của một doanh nhân vướng vòng lao lý

(PLO) -Doanh nhân chủ đầu tư dự án “bất ngờ” rơi vào cảnh khởi tố, bắt tạm giam chỉ vì đã…thế chấp 2 nền đất biệt thự mang tên chính mình. Đã có đến 2 lần, VKSND TP Hà Nội phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhưng đến nay, doanh nhân này vẫn chưa được đưa ra xét xử…
Dự án khu du lịch sinh thái Đồi 79 Mùa xuân nay đang dang dở...

Đầu tư... rồi vướng lao lý

Đứng đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, anh Trần Phan Tuấn Nghĩa (trú tại phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM) liên tục kêu oan cho mẹ là bà Phan Thúy Mai - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH sản xuất và thương mại Toàn Thắng (Địa chỉ tại 186, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) là chủ dự án Khu du lịch sinh thái 79 Mùa Xuân (còn gọi là “Dự án Đồi 79 Mùa Xuân”).

Theo đó, ngày 31/12/2003, Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt với diện tích 92.904ha (trong đó, có diện tích trưng bày Khu di tích 79 mùa xuân về Bác Hồ). UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Cty Toàn Thắng phải lập một công ty đóng trên địa bàn để thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tiếp nhận thực hiện dự án Đồi 79 Mùa Xuân.

Ngày 16/4/2004, bà Mai lập Cty CP Đầu tư và Du lịch An Phát (Cty An Phát) để chuyển và kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của Cty Toàn Thắng trong việc thực hiện “Dự án Đồi 79 Mùa Xuân”. Tại Cty An Phát, bà Mai góp 18 tỷ đồng (66% vốn điều lệ- VĐL), ông Vũ Thế Ưu góp 3,6 tỷ đồng (12% VĐL), ông Trần Thế Tôn góp 3 tỷ đồng (10% VĐL), Cty Alfa góp 3,6 tỷ đồng (12% VĐL). Bà Mai nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc  Cty An Phát.

Tháng 10/2004, các ông Ưu, ông Tôn, và Cty Alfa rút vốn khỏi Cty An Phát, bà Mai buộc phải mua lại cổ phần của 3 cổ đông trên với giá đến 18 tỷ đồng; đổi lại, 3 cổ đông này cam kết từ bỏ toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng với số cổ phần nắm giữ và không có khiếu kiện gì trước pháp luật (được thể hiện tại biên bản xin rút vốn).

Để có vốn hoạt động, bù đắp khoản chi phí mua lại cổ phần, ngày 15/12/2005, bà Mai chuyển nhượng 33% VĐL của Cty An Phát cho bà Trương Thị Bích (sinh năm 1962 – là bạn thân của bà Mai) với giá 33 tỷ đồng. Việc chuyển tiền mua cổ phần được thực hiện nhiều lần và đến tháng 11/2007, bà Bích mới hoàn tất việc trả toàn bộ số tiền mua cổ phần. Trong 2 năm (2006-2007), bà Bích được bầu cả 3 chức danh (Phó chủ tịch HĐQT, phó Giám đốc Cty An Phát và trưởng đại diện Cty An Phát tại TP. HCM).

Đến giữa năm 2010, bà Bích cùng ông Ưu làm nhiều đơn tố cáo bà Phan Thúy Mai “làm giả các hợp đồng tín dụng, làm giả chữ ký trên điều lệ Cty, làm giả các biên bản họp HĐQT, sử dụng trái phép tài sản của Cty để mua bán cổ phần kiếm lời, góp vốn khống, tự xuất hóa đơn mua 2 nền biệt thự trong “Dự án đồi 79 Mùa xuân” mà không được phê chuẩn của HĐQT và ĐHĐCĐ…”. Sau hơn 1 năm điều tra, cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội có Thông báo số 35/TB/PC46-Đ10 ngày 9/9/2011 khẳng định, “tranh chấp nội bộ của các cổ đông sáng lập Cty CP đầu tư và du lịch An Phát không có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Việc tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế - TAND TP Hà Nội.” Nguyên đơn khởi kiện đến TAND TP Hà Nội theo đúng hướng dẫn của cơ quan CSĐT – Công an Hà Nội và Tòa án Hà Nội đã thụ lý giải quyết vụ việc.

Thông báo số 35/TB/PC46-Đ10 ngày 9/9/2011 của cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội 

Tuy nhiên, 3 năm sau, tháng 11/2014 chính cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội lại ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phan Thúy Mai về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bắt đầu từ đây là 27 tháng bị tạm giam, chưa được xét xử, một kỳ án chứa đựng uẩn khúc với nhiều tình tiết khó hiểu, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự...   

Chuyện dân sự, kinh tế bị… hình sự hóa ?

Mấu chốt của vụ án bắt nguồn từ việc, trước khi Cty Toàn Thắng chuyển toàn bộ quyền và nghĩa vụ sang Cty An Phát, ngày 2/2/2004, đã có “Biên bản họp các thành viên góp vốn”, thống nhất đồng ý để bà Phan Thúy Mai được mua 2 đất nền biệt thự của “Dự án Đồi 79 Mùa Xuân” với giá ưu đãi giảm 50% so với giá thị trường.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, khi dự án chuyển từ Cty Toàn Thắng sang cho Cty An Phát thì Cty An Phát kế thừa và thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của Cty Toàn Thắng: thực hiện nội dung “Biên bản họp các thành viên góp vốn” ngày 2/2/2004 của Cty Toàn Thắng, thống nhất cho phép bà Mai được mua 2 lô nền đất biệt thự thuộc “Dự án Đồi 79 Mùa Xuân” với giá ưu đãi giảm 50%. Tháng 7/2008, bà Mai ký hợp đồng chuyển nhượng 2 khu đất nền biệt thự trong khu “Dự án 79 Mùa Xuân” từ Cty An Phát sang tên bà Phan Thúy Mai với tổng giá trị hơn 9,86 tỷ đồng, với “Sổ đỏ” mang tên bà Phan Thúy Mai. Sau đó, bà Mai dùng 2 sổ đỏ này thế chấp ngân hàng vay 15 tỷ đồng trang trải chi phí cho việc triển khai “Dự án Đồi 79 Mùa Xuân” mà Cty An Phát làm chủ đầu tư. Thế nhưng, các cổ đông lại tố cáo rằng, bà Mai đã mua 2 nền biệt thự của dự án chưa đúng trình tự theo quy định tại Điều 120 của Luật Doanh nghiệp và Điều 23 của Điều lệ Cty An Phát. Việc đem tài sản đã mua để thế chấp ngân hàng là bà Mai đã làm mất tài sản của 2 cổ đông…

Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã trưng cầu Hội đồng định giá tài sản 2 nền đất biệt thự mang tên bà Phan Thúy Mai, xác định giá trị trên 30 tỷ đồng. Vì bà Mai trả 9,86 tỷ đồng nên cơ quan công an cho rằng bà Mai đã “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng” do vi phạm Điều 120 Luật Doanh nghiệp (năm 2005) và Điều 23 - Điều lệ Cty An Phát (năm 2006).

Nhận định về vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch HĐTV Cty Luật Hợp danh V.I.P (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, dưới góc độ khoa học pháp lý, hành vi của bà Phan Thúy Mai không thỏa mãn các dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự: “Việc bà Phan Thúy Mai, đại diện pháp luật Cty An Phát chuyển nhượng 2 nền biệt thự cho cá nhân bà Phan Thúy Mai là thực hiện theo nội dung Biên bản họp các thành viên góp vốn ngày 2/2/2004 của Cty Toàn Thắng. Giả dụ nếu có vi phạm về trình tự thủ tục chuyển nhượng tài sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại Điều 120 thì giao dịch sẽ chỉ bị vô hiệu, hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Bên cạnh việc vận dụng giá trị tài sản không đúng thời điểm, việc quy kết bà Mai vi phạm điều 23 Điều lệ Cty An Phát cũng không có căn cứ bởi điều 23 – Điều lệ Cty An Phát quy định thẩm quyền cho phép chuyển nhượng tài sản của Cty từ 30% trở lên phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông, trong khi đó, tài sản 2 nền biệt thự có giá trị nhỏ hơn nhiều so với tài sản của Cty An Phát. Theo Điều lệ Cty An Phát và Luật Doanh nghiệp, việc chuyển nhượng tài sản dưới 30% là 2 nền biệt thự thuộc thẩm quyền của bà Phan Thúy Mai – người đại diện theo pháp luật của Cty.

Vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự

Cũng theo phản ánh của anh Trần Phan Tuấn Nghĩa,  Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đã bắt tạm giam bà Mai từ 6/12/2014 đến nay. Đến ngày 13/10/2016, VKSND TP. Hà Nội mới có bản Cáo trạng số 384/CT-VKS-P3 đề nghị truy tố bà Phan Thúy Mai theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Quang cho rằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, kéo dài thời hạn điều tra vụ án nhiều lần so với quy định. Khoản 1, Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, việc tạm giam đối với những tội danh nghiêm trọng và rất nghiêm trọng là không quá 4 tháng. Nếu xét thấy vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp phải tạm giam dài hơn thì cơ quan điều tra phải đề nghị VKSND gia hạn tạm giam. Với tội danh rất nghiêm trọng, việc gia hạn tạm giam 2 lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ 2 không quá 2 tháng. Bà Phan Thúy Mai bị tạm giam 4 tháng và 2 lần gia hạn với tổng thời gian tạm giam là 9 tháng. “Luật đã quy định thời gian tạm giam 9 tháng là cùng, nay đã trên 27 tháng bà Phan Thúy Mai vẫn bị tạm giam, là dấu hiệu vi phạm rất nghiêm trọng về thời hạn tạm giam để phục vụ điều tra”, luật sư Nguyễn Văn Quang nói.

Văn phòng Chính phủ vào cuộc

Mới đây nhất, ngày 9/3/2017, trước việc ông Trần Phan Tuấn Nghĩa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét việc khởi tố, bắt tạm giam bà Phan Thúy Mai (mẹ ông Nghĩa) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm doạt tài sản có dấu hiệu oan sai, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị TAND TP. Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định và thông báo kết quả giải quyết về Văn phòng Chính phủ.

Văn bản yêu cầu xem xét, giải quyết của Văn phòng Chính phủ

Tiếng kêu cứu của một doanh nhân được ghi nhận bởi Văn phòng Chính phủ, được yêu cầu xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật cũng chính là niềm tin, là thước đo giá trị vào nền tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh mà trọng tâm là hoạt động xét xử.

Trước những vấn đề cần được xem xét về thời gian, thời hiệu trong hoạt động tố tụng và điều kiện sức khỏe của bà Phan Thúy Mai yếu, gia đình bà khẩn thiết đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú để chờ đợi phiên tòa xét xử sơ thẩm – một phiên tòa giải tỏa, củng cố niềm tin vào công lý, vì dân, vì doanh nghiệp, doanh nhân../. 

Đọc thêm