Dự án đối tác công tư: Cân nhắc cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu

(PLVN) - Một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị cân nhắc quy định về cơ chế xác định rủi ro để tránh tình trạng rủi ro đó không phải bản chất của dự án, mà do khả năng vận hành của nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án Luật
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng nay - 11/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững về đầu tư PPP

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (ngân sách Nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...). 

Bên cạnh đó, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Thứ ba, hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. 

Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững.

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều. Để thống nhất thuật ngữ, đồng thời phản ánh được bản chất cơ chế đầu tư PPP, trong Tờ trình lần này, Chính phủ đề nghị sửa tên Luật thành “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, theo dự thảo luật,  thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP bao gồm 3 cấp là Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế 

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất thay đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Về quy mô đầu tư của dự án PPP, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực được xác định, nhằm tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công như bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu... 

Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật.

Về lựa chọn nhà đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. 

Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo Luật.

Đối với quy định Bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo Luật một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm (bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm nghĩa vụ cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu…),

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP trong bối cảnh số lượng dự án PPP và tích lũy vốn PPP sẽ tăng lên đáng kể ở cả cấp Trung ương và địa phương, tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan, nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Ủy ban Kinh tế cho rằng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật, Ủy ban kinh tế đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật.

Đặc biệt coi trọng yếu tố công khai, minh bạch

Cho ý kiến về dự án luật, ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, đầu tư theo phương thức PPP là hình thức hiệu quả để tranh thủ nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Vì thế, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho hình thức đầu tư này, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư, giữa Nhà nước và tư nhân.

Về lĩnh vực đầu tư, ĐB Sơn cho rằng, phải hoạch định rõ các nhóm lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các công trình lớn… mà Nhà nước nhất trí đầu tư PPP. 

ĐB Sơn cũng đồng tình với quy định Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng và cho rằng, mức tối thiểu 200 tỷ đồng là hợp lý để đảm bảo thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, tạo ra những dự án lớn, quan trọng, có sức lan tỏa.

Ngược lại, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) lại đề nghị cân nhắc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng bởi có những lĩnh vực thì số tiền này là thấp, nhưng có lĩnh vực thì số tiền này là quá lớn. Do đó, ĐB đề nghị nên ủy quyền cho Chính phủ quy định.

ĐB Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP thì phù hợp hơn. 

“Tôi nhớ hồi xưa có 1 tỷ mua được một căn hộ, còn bây giờ có khi phải nhiều hơn. Bây giờ quy mô 200 tỷ thì được nhưng sau này sợ đồng tiền mất giá sẽ kéo theo nhiều thứ”, ĐB Quốc lý giải.

Đáng chú ý, theo ĐB Quốc, khi làm dự án PPP sẽ “động” tới đất đai, công ăn việc làm, cuộc sống của người dân nên trước khi kí hợp đồng nên lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động. 

“Chính những ý kiến này là thành tố đưa vào hợp đồng hợp tác công tư để đảm bảo quyền lợi của người dân bị tác động”, ĐB nói.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh đây là các dự án đầu tư công và người dân là người trực tiếp tham gia quá trình chi trả. 

Do vậy, tính chất ông khai minh bạch của dự án phải rất cao, thậm chí cao hơn các dự án đầu tư công thông thường để người dân phải nắm rõ, hiểu rõ và dễ dàng chấp nhận khi tham gia vào quá trình hưởng thụ và chia sẻ sau này.

“Thời gian qua, các dự án đầu tư đúng chứ không phải không đúng nhưng do chưa công khai, minh bạch rõ ràng để người dân hiểu được, cùng chia sẻ nêu yếu tố liên quan đến giám sát, công khai minh bạch và sự tham gia của người dân vào các dự án này cần đặc biệt coi trọng”, ĐB Cường nói.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) cho rằng đặt vấn đề này ra sẽ rất khó xử lý vì các dự án đã có đầu thầu, doanh nghiệp ký hợp đồng PPP nên nếu đặt ra quy định bù trừ doanh thu là bất hợp lý, không công bằng, tạo ra sự khó xử cho sau này, đồng thời còn có thể tạo ra sự ỷ lại của nhà đầu tư.

ĐB Nguyễn Quốc Bình
ĐB Nguyễn Quốc Bình

Theo ĐB, khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng thì “lời ăn, thua chịu”, trừ các dự án đặc biệt. ĐB đồng ý với việc bù trừ doanh thu với các hợp đồng BT có những khó khăn, vướng mắc đặc biệt như điều kiện xã hội, lĩnh vực khó khăn nhưng việc đặc biệt đó phải quy định trong luật.

ĐB Cường cũng đề nghị quy định rõ trong luật cơ chế xác định rủi ro để tránh tình trạng rủi ro đó không phải bản chất của dự án mà do khả năng vận hành của nhà đầu tư.

Đọc thêm