Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Di chứng BOT làm cho người dân và ĐBQH phải suy nghĩ”

(PLVN) - Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP (đối tác công tư – NV)”. Một trong những nội dung quan trọng các đại biểu trao đổi ý kiến, “mổ xẻ”, là vì sao thời gian qua các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải lại bị người dân phản đối quyết liệt.
Cư dân phản đối một trạm BOT bất hợp lý
Cư dân phản đối một trạm BOT bất hợp lý

Quá nửa số vốn các dự án BOT vay ngân hàng

Theo tổng kết, phương thức PPP đã mở ra cơ hội và tạo điều kiện huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân, riêng lĩnh vực GTVT, đã thu hút được 220 dự án với tổng vốn đầu tư 387 ngàn tỷ. Tuy nhiên, nhiều dự án PPP gặp không ít vướng mắc về cơ chế, chính sách, dẫn đến tình trạng triển khai chậm, kém hiệu quả và xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư và người sử dụng, tạo dư luận tiêu cực.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, tổng vốn đầu tư các dự án BOT đến nay vào khoảng 210 ngàn tỷ đồng. Nhưng việc áp dụng hình thức BOT cũng đã phát sinh nhiều điểm chưa được, một phần không nhỏ do khung pháp lý cho hình thức này trước nay chỉ qua các nghị định, thông tư, quyết định mà chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh, đảm bảo để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, khi mà các dự án thường kéo dài từ 15-20 năm, là một thời gian rất dài.

Hiện dự thảo Luật PPP đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần này (tháng 11/2019) với 11 chương, 102 điều. “Bộ GTVT đánh giá cao dự luật PPP với sự chủ trì của Bộ KHĐT và sự góp ý của nhiều bộ, ngành khác”, ông Nhật nói.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), thời gian qua vốn cho các dự án BOT đa số từ ngân hàng. Tuy nhiên, doanh thu từ nhiều dự án không đạt như dự kiến bởi lộ trình tăng phí không được thực hiện. “Điều này khiến nhiều khoản cho vay dự án BOT có nguy cơ trở thành nợ xấu. Hiện các ngân hàng cho vay BOT 110 ngàn tỷ, thì một nửa không đạt doanh thu như dự kiến”, bà Vân Anh thông tin.

Bà Vân Anh cho rằng, việc cần làm là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT hiện tại để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. “Nếu không làm được, nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới”, bà Vân Anh nói. 

Lý giải nguyên nhân vì sao một số dự án BOT bị phản đối, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng với việc hợp tác công tư thì phải có bên thứ ba là dân cư xã hội, do đó dự luật phải giải quyết được mối quan hệ giữa ba chủ thể là Nhà nước - nhà đầu tư - cộng đồng. Từ đó, đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường.

“Công tác truyền thông về vấn đề dự án BOT rất quan trọng” 

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng công tác truyền thông về vấn đề dự án BOT rất quan trọng. “Khi tôi tham gia làm dự thảo luật này thì tôi thấy khó bởi vấn đề cốt lõi nằm ở tư duy, tư tưởng, tình cảm của người dân và Đại biểu Quốc hội về luật này. Di chứng BOT làm cho người dân và ĐBQH phải suy nghĩ”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Ông Phúc cũng thông tin rằng khi người dân đang phản ứng với cách làm BOT, thì vấn đề quan trọng ở đây là phải làm sao để cho dân, Quốc hội hiểu rõ. “Do vậy, tôi cho rằng vấn đề công tác truyền thông rất quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc đăng một bài báo là xong được. Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, nhà đầu tư còn có cách hiểu khác nhau về bản chất của quan hệ đối tác công tư, do vậy cần phải làm rõ và thống nhất vấn đề còn tồn tại”, ông Phúc nói.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, một khó khăn hiện nay là giá phí. Các doanh nghiệp luôn muốn vòng đời dự án ngắn để nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên sẽ đẩy giá phí cao lên, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp vận tải.

“Do vậy, tôi đưa ra phương án vẫn kéo dài thời gian dự án, nhà đầu tư thu phí trong một thời gian, ví dụ là 10 năm, còn Nhà nước phụ trách phần còn lại. Áp dụng mô hình này sẽ là giải pháp cho không ít các dự án BOT hiện nay”, ông Thiên nói.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi thấy rằng BOT bị phản đối vì nhiều nguyên nhân trong đó có việc nhà đầu tư đang tìm cách hưởng lợi từ người dân bằng việc đưa thêm chi phí vào”.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho biết, tháng 8/2019, Varsi chủ trì và phối hợp cùng đại diện của Bộ GTVT, Sở GTVT tại các địa phương tổ chức chương trình khảo sát 12 dự án hạ tầng giao thông đường bộ từ Cần Thơ tới Quảng Ninh trong đó có 10 dự án đầu tư áp dụng phương thức PPP.

Thông qua khảo sát, Hiệp hội nhận thấy có nhiều cản trở, vướng mắc với các nhà đầu tư PPP từ thể chế tới cơ chế phối hợp của địa phương có dự án PPP đi qua.

Vướng mắc đầu tiên là thể chế, như nguyên tắc quản lý chi phí, quản lý vốn. Trước đây quy định quản lý PPP theo phương thức dự án đầu tư công. Hiện nay, đã có những quy định quản lý khác, nhưng dự án PPP vẫn không khác gì đầu tư công về giá định mức, như vậy là rất khó.

Thứ 2 là vướng về quản lý dự án đầu tư. Hiện các dự án PPP bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau. Dù Dự thảo Luật PPP có nói trong trường hợp nhiều luật cùng quy định về một vấn đề liên quan tới PPP sẽ ưu tiên áp dụng theo Luật PPP thì cũng không khả thi. Bởi các luật liên quan như Luật Xây dựng có nhiều quy định liên quan tới dự án PPP, còn tiền kiểm, hậu kiểm, nên gần như các dự án không thể vượt quy định của Luật Xây dựng. 

Tiếp theo là cản trở về vốn. Hiện cơ cấu vốn của các dự án PPP thường  là 20% vốn chủ sở hữu, 80% còn lại vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng tuyên bố đã cạn trần cho vay. Như vậy, vốn đầu tư PPP ở đâu ra?

Tiếp theo là vướng mắc về hoạt động đấu thầu. Trước đây Luật Đấu thầu chỉ có quy định về đấu thầu các dự án nhà nước. Nay với PPP là đấu thầu chủ đầu tư, vì vậy cân nhắc lại nên lựa chọn nhà đầu tư như thế nào.

Còn có việc các chủ đầu tư dự án vẫn phải phàn nàn rằng không được đối xử bình đẳng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Đọc thêm