Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045

(PLVN) - Ngày 25/9, làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu làm chủ công nghệ đường sắt. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu làm chủ công nghệ đường sắt. (Ảnh: VGP)

Tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy, mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại TP Hồ Chí Minh (TP HCM). Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.

Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, công năng của tuyến đường sắt trên trục Bắc - Nam, báo cáo nghiên cứu tiền khả khi đề xuất: Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết...

Làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GTVT tiếp thu, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các ý kiến đóng góp tâm huyết của Bộ, ngành, chuyên gia và Nhân dân; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội, tập trung vào những vấn đề có cơ sở khoa học và thực tiễn. Trong đó, ngoài phạm vi đầu tư từ điểm đầu dự án là Hà Nội đến điểm cuối tại TP HCM, cũng cần xem xét, nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Đồng thời, báo cáo tiền khả thi cần thể hiện được quan điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350km/h “thẳng nhất có thể”, “gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu”.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần kiến nghị giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho địa phương về chuẩn bị mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ga..., còn Trung ương thống nhất quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn từ thiết kế, hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin, điều hành...; đồng thời “phân công nhiệm vụ” cho doanh nghiệp tư nhân để huy động nguồn lực bên ngoài, từ quỹ đất hai bên tuyến đường sắt để giảm bớt chi phí, nguồn lực của Nhà nước. “Các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho đường sắt đô thị ở TP Hà Nội, TP HCM cần được xem xét áp dụng cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua”, Phó Thủ tướng lưu ý và nêu rõ “trong dự án phải có cơ chế cho địa phương, doanh nghiệp tư nhân”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và triển khai trước một bước công tác đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ, tự chủ công nghệ, thiết kế kỹ thuật, chế tạo trang thiết bị, vận hành, quản lý... trong ngành đường sắt.

Đọc thêm