Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hà Nội): Một số vi phạm ngay từ thời điểm thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra (KLTT) trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), trong đó có KLTT 1266/KL-TTCP về thanh tra việc thu hồi đất khu vực Ao Đấu, thôn Dậu 1, xã Di Trạch, để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ để giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án xây dựng Khu đô thị mới (KĐT) Kim Chung - Di Trạch.
Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park).
Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park).

Theo KLTT về quy hoạch, kế hoạch, mục đích, nhu cầu sử dụng đất, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định 2094 về việc thu hồi gần 161.000m2 đất trên địa bàn xã Di Trạch (trong đó có đất của các hộ dân khu vực Ao Đấu) giao UBND huyện thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ, để giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp thuộc Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, Quyết định 2094/QĐ-UBND của UBND Hà Tây thu hồi gần 161.000m2 để thực hiện dự án, trong đó hơn 149.500m2 đất trồng lúa, vượt 103.500m2 đất trồng lúa theo kế hoạch sử dụng đất, là không đúng Luật Đất đai. Diện tích đất dịch vụ cũng thu hồi vượt 8.756,36m2 so với nhu cầu giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình đủ điều kiện được giao đất tại Di Trạch.

Về việc lập hồ sơ, phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, GPMB khi dự án chưa được phê duyệt, chưa có hồ sơ mốc giới, diện tích đất thu hồi, UBND huyện và Sở Tài chính Hà Tây đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể bồi thường hỗ trợ.

Sở Tài chính tỉnh không lấy tài liệu của cơ quan tài nguyên môi trường để làm cơ sở lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ; không có danh sách về số hộ, số lao động, số khẩu trong khu vực thu hồi đất; không có danh mục công trình và quy mô công trình của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải di dời; nhưng trong dự toán lại có danh mục bồi thường về các công trình xây dựng.

Sở Tài chính chỉ căn cứ vào tờ trình của UBND huyện áp dụng khoản 3 Điều 130 Nghị định 181/2004/NĐ-CP đã bãi bỏ để làm căn cứ trình UBND tỉnh ban hành quyết định 22 ngày 7/1/2008 phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ là chưa đúng quy định. Phê duyệt bồi thường, hỗ trợ đất giao thông, thuỷ lợi (lại phê duyệt là đất công ích) là chưa đúng Luật Đất đai 2003.

Với việc lập hồ sơ thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, bồi thường GPMB, việc đưa toàn bộ khu đất Ao Đấu vào phần diện tích 149.5000m2 đất hai vụ lúa để lập hồ sơ thu hồi là chưa phù hợp thực tế sử dụng đất.

Trong khu đất Ao Đấu, một số hộ đã xây dựng công trình trước 1/7/2004; một số hộ đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cây lâu năm, nhưng vẫn bị xác định là đất ruộng dẫn đến thắc mắc, khiếu nại.

UBND huyện Hoài Đức và Hội đồng Bồi thường GPMB huyện sử dụng nguồn kinh phí của TCty Vietracimex hơn 23,4 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ GPMB là chưa đúng quy định.

Hội đồng Bồi thường hỗ trợ GPMB huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 10.358m2 đất mương, đường nội đồng với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho UBND xã Di Trạch là chưa đúng quy định.

Hội đồng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ 16.642m2 đất công nằm trong các thửa đất không giao thầu khoán của các hộ gia đình, cá nhân với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho UBND xã. Số tiền trên nộp vào tài khoản của Hội đồng, sau đó được chi cho công việc của Hội đồng, không chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi là chưa đúng quy định.

TTCP đề nghị UBND Hà Nội kiểm tra, rà soát việc UBND huyện Hoài Đức phê duyệt bồi thường cho UBND xã Di Trạch diện tích đất công không giao thầu khoán, đất mương nội đồng với số tiền gần 2,9 tỷ đồng và diện tích 11.458m2 đất không giao thầu khoán nằm trong các thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

UBND huyện có trách nhiệm trả lại 23,4 tỷ đồng cho Vietracimex. UBND huyện, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ GPMB huyện có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, hồ sơ địa chính theo pháp luật với việc phê duyệt vượt diện tích đất, phê duyệt sai, phê duyệt còn thiếu sót, khôi phục mốc dự án; rà soát toàn bộ việc bồi thường, hỗ trợ cho các gia đình cá nhân trong Dự án nhằm phát hiện sai sót để kịp thời chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện theo quy định pháp luật.

Đọc thêm