Được thuê đến 50 năm
Vào lúc mặt trời lặn trên biển, Lin Dong thích thư giãn trên chiếc võng mắc giữa hai gốc cây, lắng nghe tiếng động lao xao của những đợt sóng vỗ vào bờ hòn đảo riêng của mình.
“Tôi ghê sợ tiếng ồn, và ô nhiễm không khí ở những thành phố nhung nhúc người tại Trung Quốc. Cuộc sống trên đảo phù hợp với tôi hơn”, doanh nhân cường tráng tuổi tứ tuần, có bộ râu muối tiêu thổ lộ như trên. Lin Dong đã làm giàu nhờ buôn bán thiết bị y tế từ cuối thập niên 90.
Cũng giống như ông Lin, một số ít nhà giàu Trung Quốc – nhưng con số này đang tăng lên – đã mua được hay đang tìm cách sở hữu một hòn đảo, để thoát khỏi các vùng đô thị đang nhanh chóng mở rộng, tìm cho mình một góc trời riêng.
Bản thân ông Lin xứng đáng là người tiên phong: Ông đã mua được hòn đảo riêng năm 2009, ngoài khơi vùng tự trị Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc, lợi dụng các quy định còn mơ hồ về việc mua bán loại bất động sản này.
Một năm sau đó, xuất hiện một đạo luật cho phép quyền sử dụng đất trên một hòn đảo, nhưng với hợp đồng thuê dài hạn trong 50 năm.
600 chủ nhân các hòn đảo
Ông Lin ước tính tại Trung Quốc có ít nhất 600 sở hữu chủ các hòn đảo. Đa số là các công ty có dự án về du lịch hay ngư nghiệp, số còn lại là tư nhân muốn xây biệt thự để tiếp đãi bạn bè hay các quan chức chế độ. Theo ông, đó thường là những người “yêu thích thiên nhiên, bãi biển, thích nằm nghe nhạc”.
Wang Yue (luật sư 41 tuổi) tự thưởng cho mình một hoang đảo rộng một kilomet vuông, nằm cách bờ biển 40 cây số, ngoài khơi đại đô thị Thượng Hải.
Ông thổ lộ: “Trên hòn đảo của tôi, khi đêm xuống có thể trông thấy được một bầu trời đầy sao và mặt trăng nhô lên từ phương Đông. Đó là một cảm giác khó tả”.
Trung Quốc có 14.500 kilomet bờ biển và 7.300 hòn đảo rộng hơn 500m2, tất cả đều trong tay Nhà nước. Nhưng tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) năm 2011 lần đầu tiên đã tổ chức “bán đấu giá một hòn đảo” không người ở rộng hơn 2,5 hecta, được một công ty mua lại với giá 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu euro, khoảng 70 tỉ VNĐ). Sau đó nhiều tỉnh khác đã theo chân.
Ông Lin nhận xét rằng Nhà nước có khuynh hướng cấp giấy chủ quyền cho các công ty hơn là cá nhân. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng chính quyền sẽ có biện pháp hỗ trợ chúng tôi, hay ít nhất đừng có hành động gì cản trở”.
Hình minh hoạ |
Một triệu nhà triệu phú đô la
Một doanh nhân đem cho thuê một hòn đảo tại tỉnh Quảng Đông trong thập niên 90 đã bị vướng vào một cuộc chiến pháp lý lâu dài sau khi chính quyền địa phương năm 2012 “không công nhận” quyền sở hữu của ông.
Với trên một triệu nhà triệu phú đô la, Trung Quốc là kho dự trữ lớn nhất các khách hàng có khả năng đóng vai Rôbinsơn hạng sang. Một số chọn lựa việc mua các đảo nằm ngoài Trung Quốc để tránh né các quy định hạn chế đối với bất động sản.
Báo chí cho biết nữ đại gia Trung Quốc Wendy Weimei Wu đã mua một hòn đảo ở New Zealand tên là Slipper, có một sân bay nhỏ và một số ngôi nhà, với giá 5,6 triệu đô la.
Một đại gia khác đã chi 5 triệu nhân dân tệ (740.000 euro) mua một hòn đảo ở Fidji được rao bán trên mạng năm ngoái. Cũng trong đợt bán đấu giá này, một hòn đảo khác của Anh đã được nhượng lại với giá 4 triệu nhân dân tệ (580.000 euro), theo báo chí chính thức.
“Trung Quốc là thị trường năng động nhất của chúng tôi, và cũng là thị trường lớn nhất”, Manuel Brinkschulte, tổng giám đốc của Vladi Private Islands phụ trách Trung Quốc, xác nhận. Ông cho biết, nếu các khách hàng phương Tây mua đảo để thỏa mãn “sở thích cá nhân”, thì khách Trung Quốc tìm mua những hòn đảo “để đầu tư”.
Trên chiếc điện thoại thông minh, Brinkschulte cho xem lướt qua những tấm hình của một đại gia Trung Quốc ngành công nghiệp thực phẩm, đi cùng với vợ trong chuyến đi tham quan Hy Lạp mới đây. Cuối cùng vị khách đã chọn mua một hòn đảo ở Scotland rộng 140 hecta, có sân gôn và một khách sạn nhỏ. Ông Brinkschulte tiết lộ: “Điều làm cho khách thích thú, là trái ngược với Trung Quốc: Chẳng có ai sống ở đó cả!”./.