Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đánh giá kỹ tác động việc mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đây là ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tại phiên họp cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), vừa diễn ra mới đây.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự kiến mở rộng với khoảng 3 triệu người

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra là việc Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc. 5 nhóm này bao gồm chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã (HTX) không hưởng tiền lương; người lao động (NLĐ) làm việc không trọn thời gian (NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt).

Cùng với đó là NLĐ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Theo Chính phủ, dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Thẩm tra sơ bộ, đồng tình với nội dung này nhưng Thường trực Ủy ban Xã hội của QH cho rằng, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của Dự án Luật không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể việc mở rộng đối tượng NLĐ là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh mà không mở rộng đối tượng tham gia là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người) cũng như tính đồng bộ quy định của dự thảo với quy định của pháp luật liên quan và tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Đồng thời, giải trình về việc xác định người sử dụng lao động, mức đóng BHXH khi bổ sung nhóm NLĐ là người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố, việc bảo đảm kinh phí, tác động đối với ngân sách nhà nước…

Đánh giá kỹ tác động

Cho ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh nhận định, Dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tán thành với việc Dự thảo Luật bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nhưng bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm trường hợp nhóm đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố khi bị ốm đau, cần thanh toán chế độ ốm đau thì ai sẽ là người xác nhận và việc kiểm tra, giám sát được thực hiện ra sao.

Cùng với đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như đánh giá tác động của quy định mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý, điều hành HTX, liên hiệp HTX không hưởng tiền lương.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu vấn đề, hiện nay, trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, có một số mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế các công ty công nghệ nền tảng… Theo Chủ tịch QH, quan hệ lao động hiện rất khác, trước đây chỉ giữa NLĐ và người sử dụng lao động nhưng nay là 3 bên, thêm công ty kinh doanh dịch vụ, công ty nền tảng như Uber, Grab. Ngoài ra, xuất hiện nhóm NLĐ mới là lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa, không bao giờ đến cơ quan. Do đó, Chủ tịch QH gợi mở về việc nghiên cứu để mở rộng, đưa nhóm trên vào diện tham gia BHXH bắt buộc.

Quan tâm đến việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định trong Luật HTX, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh phân tích, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã mở rộng bao gồm những người điều hành HTX, liên hiệp hợp tác nhưng trong Luật HTX còn có những tổ hợp tác có đăng ký, tổ trưởng, người đại diện theo ủy quyền của các thành viên. Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung đánh giá tác động, cần thiết thì bổ sung đối tượng này vào đóng BHXH bắt buộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng, theo quy định, những thành viên của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX không bắt buộc tham gia BHXH nhưng tự nguyện thì Nhà nước có cơ chế hỗ trợ. “Cơ chế để hỗ trợ những đối tượng tham gia tự nguyện tại Dự thảo Luật chưa rõ, tôi đề nghị phải bổ sung thêm để bảo đảm tính khả thi của Luật HTX và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”, ông Vũ Hồng Thanh kiến nghị.

Đọc thêm