Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhiều đề xuất mới đáng chú ý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và đơn vị liên quan về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) được ban hành từ năm 2014.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Nhà nước chỉ là nhà đầu tư vốn

Theo dự thảo, để tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) theo hướng “Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác”.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số quyền của chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư lớn, giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia của nền kinh tế trong từng thời kỳ, còn lại giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ như một nhà đầu tư và bình đẳng như các nhà đầu tư khác.

Ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Quốc hội xác định sửa đổi toàn diện do phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13 quá rộng nên đã phát sinh nhiều điểm chưa rõ ràng, như chưa phân định, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của DN; chưa phân tách được vốn của Nhà nước với vốn DN, quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với quyền tự chủ kinh doanh của DN…

Do đó, cần phải xác định được chính xác đối tượng, mới có thể thiết kế được chính sách, nhất là nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của cơ quan, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN để bảo đảm tính độc lập, tự chủ của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy định về quản trị DN trong Luật Doanh nghiệp.

Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đồng thời là Tổ trưởng tổ biên tập dự thảo Luật cho biết, dự thảo Luật đã xác định rõ nguyên tắc, Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư vốn tại DN, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của DN mà được thực hiện thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại DN để bảo đảm các quyền của nhà đầu tư vốn, góp vốn vào DN.

Ông Tuấn phân tích, khi xác định Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư vốn chuyên nghiệp tức là Nhà nước có bao nhiêu vốn tại DN thì thực hiện quyền đến đó. Bên cạnh đó, phân định rõ Nhà nước đầu tư vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Trong quản lý, Nhà nước thực hiện quản lý phần vốn đầu tư, tức là quản lý phần cơ quan đại diện chủ sở hữu đầu tư vốn. Khi dòng tiền của Nhà nước đến đâu thì Nhà nước quản lý hoạt động đầu tư chứ không quản lý dòng vốn.

Cần xem lại đối tượng quản lý

Bà Vũ Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đánh giá, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật đã mở rộng so với Luật số 69/2014/QH13, bao gồm cả DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (DN cấp 1) và DN có vốn nhà nước đầu tư khác không phân biệt tỷ lệ vốn góp của Nhà nước, tỷ lệ vốn góp của DN cấp 1. Mặt khác, các quy định tại dự thảo Luật cũng quy định theo hướng bổ sung thủ tục so với quy định tại Luật số 69/2014/QH13.

Trong khi đó, theo Nghị quyết số 12-NQ/TW quan điểm chỉ đạo: “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối”. Do đó, để làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, Ủy ban này đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát xem xét điều chỉnh đối tượng áp dụng theo hướng “DN có vốn nhà nước đầu tư khác” là DN có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của DN 100% vốn nhà nước.

Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật này mới đây, ông Lê Anh Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, phiên bản dự thảo Luật này hoàn toàn mới so với Luật 69/2014/QH13. Trong đó, nội dung liên quan đến Quỹ đầu tư phát triển, được coi là điểm sáng khi quan điểm của Bộ Tài chính đang đi theo hướng đề xuất cho phép trích Quỹ đầu tư phát triển để tại DN từ lợi nhuận sau thuế cao hơn (trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế). Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề là cơ chế điều phối quỹ đầu tư phát triển này trong cộng đồng DN sao cho hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Tuấn Minh cho biết, cần khẳng định Quỹ đầu tư phát triển không phải của DN, quỹ này là của chủ sở hữu. Lợi nhuận sau thuế thuộc về quyền của chủ sở hữu, không phải quyền của DN, tuy nhiên cần tiếp thu, nghiên cứu tỷ lệ để lại, sử dụng quỹ bảo đảm hiệu quả.

Đọc thêm