Nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý nghiêm
Vấn đề bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 28 của dự thảo Luật. Theo đó, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Trên địa bàn TP, nghiêm cấm lấn, chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Việc san, lấp, cải tạo, phục hồi sông, hồ, ao, suối, đầm bị suy thoái, ô nhiễm môi trường phải phù hợp với quy hoạch đô thị, các quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Bày tỏ băn khoăn về vấn đề bảo vệ môi trường của Thủ đô, Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho biết, qua nghiên cứu, Đại biểu nhận thấy, một vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay cũng như quy định tại các đạo luật khác tác động đến môi trường như quy hoạch, giao thông, chất thải là chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường sống; vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường còn thấp, nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng, nhếch nhác.
Vì vậy, Đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản cho phép HĐND TP Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường, thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường, nhất là ở Thủ đô Hà Nội. “Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sở sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm TP”, Đại biểu nhận định.
Bổ sung cơ chế để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông
Có chung mối quan tâm, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, nội dung quy định trong dự thảo Luật còn mang tính chất chung chung. Điển hình là quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật về quy hoạch, theo đó yêu cầu quy hoạch phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước; sông Hồng là trục xanh cảnh quan trung tâm, phát triển hài hòa đô thị hai bên sông. “Những vấn đề này nói lên rất đúng, rất hay, nhưng đưa vào luật có thực hiện được hay không? Nếu cứ quy định chung chung như vậy thì chỉ mang tính ước vọng, không có căn cứ để thực hiện”, Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Để khắc phục, Đại biểu đề nghị cần quy định các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch phải là những quy chuẩn, tiêu chuẩn tiên tiến hơn các quy chuẩn thông thường và phải tương đương với các đô thị văn minh trên thế giới. Cùng với đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định rõ về khai thác không gian trên cao, không gian ngầm, không gian công cộng trong phát triển đô thị. Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định việc cấm san lấp, bảo vệ những cảnh quan tự nhiên, sông, hồ bởi đây là những nét đặc trưng của TP Hà Nội.
Ông Cường cho biết, hiện dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đang quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn thành bãi rác quốc gia, có chức năng xử lý rác thải độc hại cho các tỉnh khác ở miền Bắc. Đại biểu nhấn mạnh không có quy định nào cấm mang rác về Thủ đô, nhưng cần phải tính đến vấn đề này để quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau), vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho phát triển Thủ đô và người dân cả nước đến học tập, công tác. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ yêu cầu tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng từ 16 - 26%, tỷ lệ đất cho cây xanh khoảng 10m2/người vào năm 2030. “Tỷ lệ đất dành cho giao thông và tỷ lệ đất cho cây xanh của Hà Nội hiện nay là bao nhiêu? Khi sửa đổi Luật Thủ đô lần này hướng các chỉ tiêu như thế nào? Việc sửa đổi Luật có giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông hay không?”, Đại biểu nêu băn khoăn.
Từ đó, Đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ chế để giải quyết các vấn đề nêu trên vào Điều 28 về bảo vệ môi trường và Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của dự thảo Luật.