Công trình này, trước do Ban Quản lý (BQL) Dự án Hàng hải III làm đại diện chủ đầu tư, nhưng mới đây được giao lại cho BQL Dự án Hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý, sau khi bộ này có chủ trương sắp xếp lại các đơn vị quản lý dự án.
Liên tục bị “soi”
Dự án Luồng tàu biển vào sông Hậu giai đoạn I có nhiều gói thầu xây lắp, với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Luồng tàu có chiều dài 46,5km; đê biển chắn sóng phía Nam dài 2,4km; đường dân sinh dọc bờ Nam kênh Tắt đào mới có chiều dài 5km; bến phà, nhà trạm quản lý…
Sau một thời gian dài bị đình hoãn theo tinh thần Nghị quyết 11, đầu năm 2014 công trình luồng tàu chính thức được khởi động trở lại với Gói thầu số 10A (xây dựng đê chắn sóng phía Nam); các Gói thầu 6A, 6B, 11… cũng lần lượt được triển khai. Đáng nói, dù đã bố trí vốn nhưng có thời điểm dự án này vẫn trở thành tâm điểm chú ý của ngành Giao thông vì sự ì ạch về tiến độ và yếu kém trong quản lý của đại diện chủ đầu tư.
Cụ thể, đầu tháng 2/2015, khi đi thị sát tại công trình này, Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra rất bức xúc trước cung cách làm việc của BQL dự án và một số nhà thầu xây lắp. Thậm chí, sau khi kiểm tra các gói thầu (6A, 10, 11), ông Thăng khi đó còn khẳng định cấp dưới đã “báo cáo láo” rằng “dự án tốt lắm”, trong khi trên hiện trường ngày ông đến kiểm tra, mọi việc vẫn khá ngổn ngang.
Được biết, sau chuyến thực địa của Bộ trưởng Thăng, ông Nguyễn Văn Thể - nguyên Thứ trưởng GTVT cũng nhiều lần có mặt tại các “điểm nóng” về tiến độ (Gói thầu số 11 và 6B) và cũng đã đưa ra các quyết định xử lý hàng loạt nhà thầu bằng cách cắt giảm, điều chuyển khối lượng cho các đơn vị có năng lực thi công để bù tiến độ, với mục tiêu hoàn thành việc thông luồng sông Hậu vào cuối năm 2015.
“Tân quan” có “tân” tiến độ?
Do Bộ quản chặt về mặt tiến độ và “ra roi” khá quyết liệt đối với các nhà thầu yếu nên đến thời điểm này, dự án ít nhiều đã có chuyển biến, công tác thi công tại các gói thầu bị chậm tiến độ đã được xốc lại. Riêng Gói thầu số 6A (nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ) không có nhiều khởi sắc do tình trạng nhà thầu yếu không đảm đương nổi công việc tiếp tục bị điều chuyển khối lượng thi công…
Nhìn cả quá trình và thực tế tại gói thầu này có thể thấy, “gốc gác” của mọi vấn đề đều xuất phát từ năng lực của đơn vị được giao quản lý điều hành dự án? Bởi nếu đại diện chủ đầu tư khắt khe trong lựa chọn nhà thầu, công tác quản lý dự án bài bản, sâu sát… thì chắc chắn không có “cửa” cho những nhà thầu yếu kém tồn tại trên công trình trọng điểm quốc gia này.
Theo tìm hiểu của PLVN, Dự án luồng sông Hậu trước đây do BQL Dự án Hàng hải III làm đại diện chủ đầu tư. Đầu năm 2015, một phần của Ban này và BQL Dự án Hàng hải II được sáp nhập thành BQL Dự án Hàng hải (thuộc Bộ GTVT), do ông Trần Anh làm Quyền Tổng Giám đốc. Đầu tháng 10 vừa rồi, ông Anh chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Ban.
Tại buổi lễ công bố Quyết định, lãnh đạo Bộ GTVT nói họ “đánh giá cao vai trò cá nhân của đồng chí Trần Anh đã cùng tập thể BQL Dự án hàng hải hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong thời gian qua”. “Người nhà” nói về nhau như vậy, còn dư luận thì chỉ quan tâm là sau khi Ban này có “sếp” mới, Dự án luồng cho tàu biển vào sông Hậu có thực sự khởi sắc, các “điểm nóng” về tiến độ có “hạ nhiệt” và có thể “cán đích” vào cuối năm 2015 hay không?
“Gần đây, sau khi rà soát lại tiến độ và khối lượng thi công, Ban đã đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ các điểm nghẽn, trong đó có Gói thầu 6A do Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất và Xây dựng Đông Mê Công và Tổng Công ty Xây dựng đường thủy thực hiện - theo hướng chuyển khối lượng cho đơn vị có đủ khả năng hơn gánh vác.
Hiện tại, chúng tôi đang tính toán thời gian thi công để không bị hiện tượng sa bồi khi nạo vét luồng, bởi nếu không khéo rất dễ xảy ra, tránh tình trạng làm rồi, sau đó lại phải vét lại gây tốn kém, lãng phí. Tôi tin tưởng với sự “chia lửa” kịp thời giữa các nhà thầu, dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.” - ông Trần Anh nói.
Cho dù tân Tổng Giám đốc BQL dự án Hàng hải khẳng định như vậy với PLVN nhưng có lẽ vì cái “dớp” tiến độ của dự án trong quá khứ nên Bộ GTVT vẫn lo ngại và vẫn tiếp tục có những lưu ý đối với đại diện chủ đầu tư về khả năng đáp ứng năng lực, kinh nghiệm, khối lượng công việc giao cho nhà thầu thực hiện; đồng thời chỉ đạo nhà thầu cần tăng cường máy móc, thiết bị, vật liệu…
Ngoài ra, Bộ còn yêu cầu các nhà thầu phải lập tiến độ thi công tổng thể và chi tiết để làm cơ sở kiểm tra, giám sát, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các bên để quản lý hợp đồng được hiệu quả.
Đầu năm 2015, một phần BQL Dự án Hàng hải III và BQL Dự án Hàng hải II được sáp nhập lại thành BQL Dự án Hàng hải (thuộc Bộ GTVT), ông Trần Anh được giao Quyền Tổng Giám đốc Ban. Đầu tháng 10/2015, ông Trần Anh chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Ban. Dư luận rất quan tâm sau khi Ban này có “sếp” mới, Dự án luồng sông Hậu có thực sự khởi sắc, các “điểm nóng” về tiến độ có “hạ nhiệt”?