Giải pháp nào xử lý tận gốc nạn “đinh tặc”?

(PLO) - “Đinh tặc” từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của cánh tài xế mỗi khi tham gia giao thông. Trên các cung đường, từ thôn quê đến phố thị không khó để phát hiện hậu quả do những kẻ phá hoại này gây ra. 
Đáng nói, hiện dư luận đều đồng thuận với kiến nghị tăng nặng mức xử phạt “đinh tặc”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, tăng mức xử phạt chỉ là giải pháp đối phó tình thế, chưa thể triệt tận gốc vấn nạn này.
Lực lượng chức năng thu gom đinh trên đường. Ảnh MH
Lực lượng chức năng thu gom đinh trên đường. Ảnh MH
Chết oan ức vì những cái đinh
Thuật ngữ “đinh tặc” dùng để chỉ những kẻ bất lương, trục lợi bằng mánh khóe rải vật nhọn trên đường nhằm chọc thủng lốp xe của người tham gia giao thông xuất hiện cách nay khoảng 20 năm. Có thời điểm nó nở rộ tới mức nhiều cung đường trở thành nỗi ám ảnh như: quốc lộ 1A đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ; đường 51 đoạn Long Thành (Đồng Nai)... 
Trước sự trấn áp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, sự hoành hành của “đinh tặc” ít nhiều lắng dịu. Dù vậy, ở một số địa phương “đinh tặc” vẫn hoạt động âm ỉ, không dứt. Đơn cử như tình trạng rải đinh trên quốc lộ 51 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của vấn nạn khiến người dân bất an mỗi khi đi qua đoạn này. Đáng nói, nhiều lần các nạn nhân trình báo cơ quan chức năng nhưng tình trạng vẫn không giảm. 
Xét về chiêu trò các đối tượng này thường sử dụng, chúng rải đinh hoặc vật sắc nhọn dọc đường làm thủng lốp, săm xe của người đi đường, buộc khổ chủ phải gọi điện thoại “cứu hộ” hoặc vào các tiệm sửa xe ven đường để sửa xe, thực chất là vào các quán của chúng và phải trả phí “cắt cổ”. Biết vậy nhưng nhiều trường hợp gặp sự cố trong đêm tối trong tình thế “thân cô thế cô” nên nhiều người đành ngậm đắng chấp nhận.
Xét ở khía cạnh an toàn khi tham gia giao thông, nếu như xe đang lưu thông chỉ bị xì hơi còn có thể kịp xử lý. Tuy nhiên, xe “dính” phải đinh khiến lốp bị nổ, người điều khiển xe sẽ mất lái, gây mất an toàn giao thông, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng người đi đường. Đơn cử cách đây không lâu, tại quốc lộ 1A, địa phận ấp Hiệp Thắng, xã Bình Thắng, Bình Dương do chiếc xe máy cán phải đinh khiến anh Trần Văn Thảo “26 tuổi, quê Phú Thọ” lạc tay lái dẫn đến tai nạn giao thông, tử vong tại chỗ. 
"Đinh tặc"
"Đinh tặc" 
Chế tài xử phạt nặng - đã đủ?
Hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông đã được quy định trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Hình thức xử lý là phạt tiền 5-7 triệu đồng. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện nay không có tội dành riêng cho hành vi này. Bởi vậy, nhiều trường hợp các cơ quan chức năng đã gặp khó trong xử lý. 
Chẳng hạn, với các trường hợp rải đinh gây tai nạn giao thông làm chết người, khi các cơ quan tố tụng muốn xử lý hình sự hành vi này chỉ có thể áp dụng tội “Cản trở giao thông đường bộ” theo Điều 203 BLHS với các mức phạt nhẹ, không đủ tính răn đe.
Hiện Dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung tội danh riêng cho hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ. Theo đó, người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 
Phạm tội từ hai lần trở lên, trên các tuyến đường cao tốc, trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác, làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác… là những tình tiết tăng nặng định khung, có thể phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 2 – 5 năm. 
Với những chế tài xử lý nghiêm khắc, dư luận tỏ ra hết sức đồng tình bởi có tăng nặng mức phạt như vậy mới dẹp được hành vi vi phạm này. Nhiều ý kiến còn cho rằng, để Dự thảo BLHS (sửa đổi) đi vào thực tế và phát huy tính hiệu quả, nên tiến hành song song cả hai hình thức răn đe là phạt tiền và phạt tù. 
Khách quan nhìn nhận, với lực lượng giám sát, tuần tra mỏng như hiện nay, cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, các cơ sở bơm vá săm lốp để thấy rằng việc rải đinh  ra đường có thể gây hậu quả vô cùng lớn cho xã hội và cộng đồng. 
Bên cạnh đó, cần thực hiện kết hợp nhiều biện pháp mới nhằm ngăn chặn nạn “đinh tặc” như tăng cường lắp đặt camera theo dõi trên các đoạn đường vắng, đường cao tốc, quốc lộ; tăng cường chế độ khen thưởng kịp thời với những người phát hiện, tố cáo và tích cực chống nạn “đinh tặc”. Có như vậy mới hy vọng vấn nạn “đinh tặc” sẽ không còn là nỗi lo sợ thường trực trên đường.

Đọc thêm