Nhưng do có sự khác biệt giữa Hợp đồng FIDIC (quy định nhà tài trợ) và pháp luật Việt Nam nên chưa thể ký kết, làm chậm trễ trong công tác thanh toán cho các nhà thầu. Thậm chí, một số nhà thầu đã đưa vấn đề tranh chấp ra Ban xử lý tranh chấp và Trọng tài quốc tế, đồng thời tạm dừng một phần hoặc toàn bộ các hoạt động gây chậm trễ tiến độ.
Theo Bộ KH&ĐT, việc gia hạn thời gian thực hiện các hợp đồng (EOT) do tiến độ bị chậm nên các gói thầu của dự án đều phải thực hiện thủ tục điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí hợp lý (các chi phí phát sinh không do lỗi của nhà thầu). Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định, quy trình thực hiện. Trong khi các hợp đồng của dự án được ký kết theo mẫu hợp đồng FIDIC có các điều khoản quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm các bên phải thực hiện.
Đơn cử như với các chậm trễ như chậm bàn giao mặt bằng, chậm cung cấp dữ liệu giao diện... mà không do lỗi nhà thầu gây ra thì nhà thầu được gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính toán, quy trình thực hiện gia hạn, bổ sung chi phí do gia hạn thời gian.
Tương tự, về điều chỉnh giá các hợp đồng cơ điện, thiết bị. Điểm khác biệt lớn là pháp luật hiện hành yêu cầu phải xây dựng chỉ số giá mới (Sở Xây dựng Hà Nội chưa ban hành các chỉ số giá cho các loại thiết bị này), trong khi quy định của hợp đồng lại cho phép nhà thầu đề xuất các chỉ số giá, trên cơ sở đó hai bên đàm phán thống nhất. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, kỹ sư sẽ căn cứ điều kiện chung của hợp đồng để “đưa ra quyết định công bằng”.
Sự khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành còn thể hiện vấn đề Ban xử lý tranh chấp (DB). Theo Bộ KH&ĐT, các nhà thầu đều yêu cầu chủ đầu tư thành lập và thực hiện cơ chế DB theo quy định của hợp đồng FIDIC để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên trong quá trình thực hiện; nhằm giảm thiểu các vụ việc phải đưa lên tranh chấp tại Trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có các quy định đầy đủ, cụ thể cũng như chưa có nhiều thực tiễn áp dụng. Do vậy, quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc về thủ tục lựa chọn thành viên DB, phê duyệt đơn giá và cơ chế thanh toán cho các thành viên DB; cơ chế, quy trình và thẩm quyền quyết định khi thực hiện theo DB; việc thực hiện kết luận của DB. “Đây là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp tại Trọng tài quốc tế, có thể gây thiệt hại lớn về chi phí và uy tín của các bên”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Ngoài ra, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam đang chưa đồng bộ đầy đủ, có nhiều điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình ngầm, hệ thống PCCC, đánh giá an toàn hệ thống, các hệ thống chạy tẩu... dẫn đến vướng mắc trong quá trình thẩm duyệt hồ sơ thiết kế, nghiệm thu các công trình chuyên biệt. Một số thay đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn dẫn đến các điều chỉnh lớn thiết kế của dự án.
Là dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt đô thị do UBND TP Hà Nội làm chủ quản đầu tư, tổ chức thực hiện; nhưng lại không có tổng thầu, phân chia thành 9 gói thầu xây lắp thiết bị; làm phát sinh điều chỉnh thiết kế. Trong khi năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về công nghệ.
Được biết, để tháo gỡ những vướng mắc này, ngày 7/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND Hà Nội báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tổ chức họp để xem xét, có phương án giải quyết những nội dung cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và giải ngân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, mới đây, Bộ KH&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội sớm có báo cáo kết quả giải quyết những vướng mắc cho dự án lên Thủ tướng trong tháng 4/2022.