Dự án mở rộng 3 nhà máy thủy điện của EVN: Chủ đầu tư xoay xở vốn thế nào?

(PLVN) - Để sắp tới có thêm hơn 1.000 MW từ nguồn thủy điện bổ sung vào hệ thống công suất điện quốc gia, chủ đầu tư – Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần có khoản tiền trên 15 ngàn tỷ đồng. Mức đầu tư này không phải nhỏ trong bối cảnh EVN đã ngừng nhận các khoản vay ưu đãi nước ngoài và không còn bảo lãnh vay từ Chính phủ.
EVN đã nhận được cái “gật đầu” của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình, với mức đầu tư hơn 9.000 tỷ
EVN đã nhận được cái “gật đầu” của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình, với mức đầu tư hơn 9.000 tỷ

Sẽ bổ sung thêm nguồn điện đáng kể 

Mùa cao điểm nắng nóng 2019 đã đi qua nhưng tình hình cung cấp điện thời điểm đó chắc chắn khiến cho không ít người nhiều phen… hú hồn vì công suất đỉnh liên tục thiết lập đỉnh mới. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải huy động vài trăm MW chạy dầu (với chi phí 4.000 - 5.000 đồng/kWh), thậm chí các hồ thủy điện phải huy động phát điện cả khi ở mực nước “chết” để có thể đáp ứng được tổng phụ tải điện vào giờ cao điểm trong mùa cao điểm. 

Việc bổ sung các nguồn điện mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong tình trạng nhiều dự án nhiệt điện đang… ở thế khó, không thể tự quyết định tiến độ. Trong tình thế này, EVN đã thu xếp được vốn, chuẩn bị khởi động các dự án mở rộng 3 nhà máy thủy điện (NMTĐ) ở 3 miền Bắc - Trung - Nam được xem là một giải pháp cứu cho hệ thống điện quốc gia khỏi các cuộc lên đỉnh liên tiếp. 

Cụ thể, miền Nam sẽ sớm thoát khỏi nguy cơ “ăn đong” điện khi dự án mở rộng NMTĐ Ialy và Trị An sẽ sớm được khởi công. Đại diện EVN cho biết, dự án NMTĐ laly (mở rộng) do Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư đã tiến hành ký kết hợp đồng tư vấn khảo sát, lựa chọn nhà thầu và tư vấn giám sát. 

Dự án NMTĐ Ialy mở rộng sẽ có 2 tổ máy với tổng công suất 360 MW được xây dựng cách 400m so với vị trí của nhà máy hiện tại. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng trong đó, vốn của chủ đầu tư tự thu xếp khoảng 30%, còn lại là vốn vay thương mại không bảo lãnh Chính phủ. Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quý I/2021.

Trước đó, EVN cũng đã tiến hành làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để thu xếp mặt bằng phục vụ cho việc khởi động dự án mở rộng NMTĐ Trị An. Theo kế hoạch, NMTĐ Trị An sẽ tăng thêm 2 tổ máy (2x100 MW), bổ sung thêm 200 MW, nâng tổng công suất của Nhà máy lên 600 MW và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Dự án này có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng. Được biết, để thực hiện được việc mở rộng nhà máy này sẽ tiến hành thu hồi 130ha đất, trong đó EVN sẽ hoàn trả địa phương khoảng 90ha sau khi dự án hoàn thành. 

Đại diện EVN khẳng định, mở rộng quy mô công suất lắp máy của 2 NMTĐ nêu trên sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm. Ngoài ra, còn góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện như tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn… và có thể góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống. 

Tự “gánh” được bao nhiêu? 

Trong số 3 dự án mở rộng, NMTĐ Hòa Bình sẽ được khởi công sớm nhất. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 9.221 tỷ đồng, trong đó EVN cũng tự thu xếp khoảng 30%, 70% còn lại là nguồn vốn vay thương mại không bảo lãnh Chính phủ. Dự án mở rộng NMTĐ Hòa Bình có tổng công suất 480 MW với 2 tổ máy.  Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào quý II/2020.

Đại diện EVN cho biết, dự án này sẽ kế thừa hạ tầng hiện có của NMTĐ Hòa Bình, gồm hồ chứa, đập dâng, đập tràn. Các hạng mục xây mới gồm kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa dẫn nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối 500 kV. Theo EVN, việc mở rộng NMTĐ nói trên nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống, sau đó tận dụng nguồn nước thừa trong mùa lũ để phát điện.

Việc mở rộng NMTĐ Hòa Bình sẽ giúp hạn chế lượng nước xả thừa, tăng sản lượng điện trung bình, tăng khả năng huy động công suất, điện lượng trong giờ cao điểm, giúp giảm chi phí cho toàn hệ thống. Việc mở rộng công suất NMTĐ Hòa Bình không làm ảnh hưởng đến các nhà máy khác trên bậc thang sông Đà phía thượng lưu.

Một chuyên gia tài chính cho biết, hiện nay khó khăn chung trong triển khai các dự án năng lượng là nguồn vốn và xác định nguồn vay. Trước đây, các dự án điện của EVN được Chính phủ bảo lãnh nên việc thu xếp nguồn vốn không phải là vấn đề cần bàn. Tuy nhiên, EVN đã ngừng được nhận vay các khoản vay ưu đãi nước ngoài. Đồng thời, EVN cũng được Ngân hàng Thế giới xếp hạng nhà phát hành nợ mức BB với viễn cảnh ổn định.

Chưa hết, EVN còn nhận được xác nhận của Fitch về hồ sơ tín dụng, đưa doanh nghiệp này đến gần hơn với việc phát hành trái phiếu bằng USD và củng cố khả năng tiếp cận tài chính của mình. Đây chính là tấm “hộ chiếu” để EVN có thể thực hiện các đàm phán vay vốn mà không cần có  bảo lãnh của Chính phủ. Việc thu xếp được những khoản vay trị giá đến 70% của 2 dự án mở rộng NMTĐ Hoà Bình và Ialy là kết quả minh chứng rõ nhất về uy tín của chủ đầu tư. 

Đọc thêm