Dự án nào “hot” nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam?

(PLVN) - Lưu lượng xe, mức hỗ trợ của nhà nước… tại một dự án cụ thể là điều các nhà đầu tư quan tâm trước khi quyết định “xuống tiền” đối với 8 dự án BOT trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần (thuộc cao tốc Bắc - Nam) được dự báo sẽ có lưu lượng xe lớn sau khi đưa vào khai thác

Đến thời điểm này, đã có hai nhà đầu tư công khai “đánh tiếng” muốn làm nhà đầu tư tại dự án nói trên. Cụ thể, nửa cuối tháng 1/2019, một Liên danh trong nước - Tập đoàn Sơn Hải và Thanh An đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin làm chủ đầu tư cao tốc Bắc - Nam (đoạn  Nha Trang - Cam Lâm), và mới đây - hôm 7/3, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) trong một cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ này cũng bày tỏ mong muốn được tham gia dự án.

“Với tư cách là một đơn vị hoạt động lâu năm và có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp công trình giao thông, chúng tôi quyết tâm theo đuổi dự án quan trọng này”, ông Nguyễn Viết Hải - đại diện Liên danh Sơn Hải - Thành An nói.

Vấn đề đặt ra trước ngày động thổ công trình giao thông lớn nhất năm 2019 là 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với số vốn hơn 100.000 tỷ đồng có thực sự “đắt hàng” trên thị trường xây lắp? Câu trả lời dường như đáng được giữ kín vì theo quy định, Bộ GTVT vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị sơ tuyển nhà thầu nên chưa công bố chính xác có bao nhiêu đơn vị trong, ngoài nước đăng ký tham gia và con số bao nhiêu sẽ vượt qua vòng sơ tuyển.

Hiện tại, chỉ có thể dự đoán cung đoạn nào trên truyến đường này đang và sẽ có sức hút đối với các nhà đầu tư. “Lưu lượng xe và mức hỗ trợ của nhà nước đối với từng dự án cụ thể là điểu mà các nhà đầu tư quan tâm nhất”, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long - đơn vị được giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 2 dự án BOT thuộc tuyến cao tốc này nói với PLVN.

Theo giới am tường lĩnh vực đầu tư và xây lắp hạ tầng, từ Bắc vào Nam, có 2 đoạn được coi là “hot” nhất, có khả năng được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất, đó là đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 ở phía Bắc và phía Nam là đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Đây là những đoạn sau khi đầu tư, đưa vào khai thác sẽ có lưu lượng xe lớn, cho nguồn thu cao.

Cụ thể, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước tham gia gần 2.500 tỷ đồng; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, trong đó con số hỗ trợ từ phía nhà nước là 3.169 tỷ (phần hỗ trợ xây lắp gần 1.000 tỷ)…

“Khi nào các nhà đầu tư chính thức thể hiện mong muốn làm nhà đầu tư, chúng tôi sẽ công bố công khai. Hiện, một số doanh nghiệp vẫn đang tìm hiểu ở mức thăm dò dự án”, vị đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long thông tin thêm.

Tương tự, đại diện Ban quản lý dự án 6 - cơ quan nhà nước có thẩm quyền đoạn tuyến qua khu vực Nghệ An - mới đây khi trao đổi PLVN cũng cho hay, đa phần các doanh nghiệp chỉ hỏi và thể hiện mong muốn “bằng miệng”, chưa có nhà đầu tư có văn bản khẳng định sự tham gia chính thức.

Đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ GTVT hôm 7/3, đã bày tỏ mong muốn tham gia Dự án cao tốc Bắc - Nam

Trả lời phóng viên về công tác chuẩn bị  đầu tư 8 dự án BOT vừa đề cập trên, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy nói, đến tháng 4/2019, sẽ thực hiện việc sơ tuyển nhà thầu, để lựa chọn những nhà đầu tư đủ điều kiện vào vòng đấu thầu. Tháng 9/2019, sẽ bắt đầu tiến hành đấu thầu công khai. Phấn đấu đến cuối 2019, sẽ lựa chọn xong nhà thầu.

Trước đó, trao đổi với PLVN, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, tất cả các dự án theo hình thức đối tác công - tư thuộc cao tốc Bắc - Nam đều phải thực hiện theo hình thức đấu thầu quốc tế; vì thế, đây chắc chắn sẽ là “sân chơi” chung cho tất cả các nhà thầu là doanh nghiệp hoặc liên danh trong và ngoài nước nếu hội đủ các điều kiện.

“Những dự án đấu thầu thành công, Bộ sẽ sớm công bố để nhà đầu tư vào việc ngay. Nếu trong vòng 2 tháng không thu xếp được tài chính để thi công, thì sẽ cho hủy thầu, đấu thầu lại để tìm nhà đầu tư mới”, ông Thể khẳng định.

Riêng 3 dự án thành phần khác thực hiện theo hình thức đầu tư công  (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), Bộ trưởng Thể chỉ đạo, chậm nhất - tháng 6/2019, một số gói thầu của các dự án này phải được khởi công xây dựng.

Báo chí được mời góp ý cho dự thảo hồ sơ mời thầu cao tốc

Liên quan công tác thiết kế kỹ thuật các dự án thành phần thuộc cao tốc Băc - Nam, Bộ trưởng GTVT mới đây đã chỉ đạo, chậm nhất tháng 9/2019 phải phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán của 11 dự án thành phần. Ông cũng yêu cầu bộ phận tham mưu - Vụ Đối tác công - tư  sớm tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, cơ quan báo chí, đại biểu quốc hội… tham gia góp ý cho dự thảo hồ sơ mời thầu các dự án này.

Đọc thêm