Dự án nghệ thuật tri ân 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngã ba Đồng Lộc là địa danh được nhắc đến với khúc tráng ca về tinh thần bất khuất của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để tri ân 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cùng những anh hùng liệt sĩ hy sinh vì đất nước, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời.
Các bạn trẻ tập luyện cho vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân”. (Nguồn: Minh Giang)
Các bạn trẻ tập luyện cho vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân”. (Nguồn: Minh Giang)

Huyền thoại tuổi thanh xuân

Trong buổi lễ công bố Dự án nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân” và triển khai tuyển diễn viên tham gia biểu diễn mới đây, đạo diễn Lê Quý Dương và ê kíp sáng tạo không khỏi xúc động. Đây là dự án được đạo diễn ấp ủ từ lâu và được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) tin tưởng, tạo điều kiện công diễn thường xuyên tại sân khấu của Bảo tàng.

“Huyền thoại tuổi thanh xuân” được dàn dựng trong năm nay đúng dịp cả nước kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc (1968 - 2023) là sự tri ân và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ. Vở diễn dự kiến ra mắt từ ngày 20/10/2023 để phục vụ đông đảo khán giả và du khách.

Sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong, tinh thần xả thân của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thuộc các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam. Tất cả sẽ được tái hiện trong không gian nghệ thuật của “Huyền thoại tuổi thanh xuân”. Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, 10 nữ anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh khi đang ở lứa tuổi thanh xuân. Người nhỏ nhất 17 tuổi và người lớn nhất mới 24 tuổi. Do đó, vở kịch dài 60 phút truyền đi thông điệp sâu sắc tới các thế hệ trẻ hôm nay: “Hãy sống một đời đáng sống”.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: “Điểm nhấn của chương trình chính là tái hiện câu chuyện lịch sử về những người con gái Việt Nam anh dũng, phơi phới tuổi thanh xuân, có tinh thần chiến đấu quật cường sẽ được diễn ra tại không gian bảo tàng, nơi có sự kết nối và trưng bày nhiều kỷ vật, hình ảnh về những đóa hoa nơi tuyến đầu trận địa. Đây là chương trình mà bảo tàng đặt nhiều tâm huyết, làm phong phú hơn các hoạt động của bảo tàng, thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế”.

Thông điệp ý nghĩa với thế hệ trẻ

Không chỉ Dự án nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, trước đó đã có nhiều sản phẩm nghệ thuật được thực hiện để gửi tới hương linh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cùng những anh hùng liệt sĩ hy sinh vì đất nước.

Đơn cử như “Ngã ba Đồng Lộc” - bộ phim điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh do Lưu Trọng Ninh đạo diễn; kịch bản của Nguyễn Quang Vinh. Bộ phim được công chiếu năm 1997. Tháng 5 năm 2013, bộ phim được giới thiệu trong Liên hoan phim quốc tế Imagineindia lần thứ 11 tại Madrid - Tây Ban Nha. Bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” được Giải Bông Sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII năm 1999; Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997, Giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ hòa bình Triều Tiên tại Liên hoan phim Quốc tế các nước không liên kết tại Bình Nhưỡng năm 1998.

Năm 2018, MV “Cúc ơi!” của NSƯT Tố Nga được nhạc sĩ Hăng Ry phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Yến Thanh như một thước phim ngắn ghi lại những ngày tháng chiến đấu, anh dũng của những cô gái đã nằm xuống nơi chiến trường khốc liệt.

Vì vậy, với đạo diễn Lê Quý Dương, việc dựng lại câu chuyện bất tử của 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là một thách thức lớn, bởi họ đã là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo thành công ở nhiều loại hình nghệ thuật. Nhưng anh tự tin rằng mình sẽ mang đến một góc nhìn khác cho khán giả, mang đến thông điệp có ý nghĩa với thế hệ trẻ hôm nay.

“Quan điểm dàn dựng trong vở diễn này cũng có sự khác biệt so với các chương trình khác. Tôi không hướng tới việc chọn 10 nữ diễn viên có kỹ thuật diễn xuất giỏi để nhập vai 10 nữ liệt sỹ mà tìm kiếm những người đủ nhạy cảm và sự chân thật để mang lại cảm xúc cho khán giả”, đạo diễn chia sẻ.

Em Mai Khánh Huyền, sinh viên năm thứ ba khoa Triết (Đại học Sư phạm Hà Nội) vào vai một trong 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc tâm sự, ngay từ thuở nhỏ, Khánh Huyền đã được bà và mẹ kể cho nghe nhiều về sự hy sinh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong ở Đồng Lộc. Khi vào đại học, em tự mình tìm hiểu, đọc được nhiều tài liệu và vô cùng xúc động về sự cống hiến hy sinh của các cô. Tuy không học về diễn xuất sân khấu, nhưng khi vào vai cô Võ Thị Tần viết thư cho mẹ trong đêm trước ngày hy sinh, em đã khóc thật sự trong từng dòng chữ viết bởi thấy trong đó sự yêu thương, khát khao được trở về trong vòng tay của mẹ. Qua đó, em cũng như thế hệ trẻ càng thấu hiểu giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay đã phải trả bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Đọc thêm