Dự án tai tiếng B6 Giảng Võ lại gây xôn xao vì “đổi chủ”

(PLO) - Những ngày qua, thông tin dự án cải tạo nhà B6 Giảng Võ “đổi chủ” – từ TCty 36 - Bộ Quốc phòng sang Cty Mefrimex khiến không ít người ngạc nhiên. Còn đối với nhiều cư dân nhà B6, thì đây không phải là một cái tên xa lạ.
Sau 4 năm khởi công, dự án cải tạo chung cư cũ B6 vẫn chỉ dừng lại ở phần… đào móng
Sau 4 năm khởi công, dự án cải tạo chung cư cũ B6 vẫn chỉ dừng lại ở phần… đào móng
Chung cư “lận đận”
Tọa lạc ngay bên hồ Giảng Võ, nhà tập thể B6 có vị trí vô cùng đắc địa ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án cải tạo chung cư này vẫn “giẫm chân” tại chỗ. Sở hữu “đất vàng” mà cư dân thì phải đi ở nhà thuê, chủ đầu tư thì bỏ lỡ nhiều cơ hội. Từ một dự án được kỳ vọng, B6 Giảng Võ đã biến thành một dự án tai tiếng.
Trong một động thái mới nhất để giải quyết tình hình, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho dự án cải tạo chung cư cũ B6 (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) được “đổi” chủ đầu tư. Theo đó, chủ mới của dự án là Cty CP Đầu tư và phát triển công nghệ (Mefrimex). Đây là lần “sang tay” thứ ba kể từ khi Hà Nội có chủ trương cải tạo khu tập thể này.
Dự án cải tạo chung cư cũ B6 Giảng Võ ban đầu được giao cho Cty CP ICT nghiên cứu lập dự án đầu tư từ năm 2004. Đến năm 2007, đơn vị này có văn bản báo cáo thành phố về tiến độ phá dỡ và đầu tư xây dựng lại. Tuy nhiên, suốt 5 năm, doanh nghiệp vẫn không thể đạt được sự thống nhất với người dân về mức độ đền bù khiến dự án không thể triển khai. 
Mâu thuẫn lợi ích giữa cư dân và Cty ICT chưa tìm được nút gỡ thì Cty Đầu tư xây lắp và thương mại 36 (Bộ Quốc phòng) “nhảy” vào và nhanh chóng chấp thuận mọi yêu cầu của người dân trong việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư… 100% hộ dân tại đây đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai xây dựng. 
Tháng 7/2011, công trình được khởi công và dự kiến đến quý 1/2014 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, dự án B6 Giảng Võ đang tiến hành đào móng thì dừng lại vì chủ đầu tư không “cơ cấu” được bài toán lợi nhuận do dự kiến ban đầu xây 25 tầng, nhưng theo quy hoạch của thành phố thì “khu đất vàng” B6 Giảng Võ chỉ được xây tối đa 15 tầng. Đến nay, dự án cải tạo B6 Giảng Võ lại tiếp tục được thử thách với chủ đầu tư mới.
Chủ mới là ai?
Mefrimex được thành lập và đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 5/2007, có trụ sở chính tại B7 Giảng Võ, phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty này là đóng tàu, tư vấn thiết kế, giám sát công trình, lưu trú, vận tải, xây dựng, kinh doanh bất động sản, thương mại hàng hóa… Mefrimex có vốn điều lệ 800 tỷ đồng.
Mefrimex đang triển khai một số dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội, đáng chú ý nhất là đầu tư xây dựng dự án nhà B7 Giảng Võ, diện tích 2.237,5m2, công trình cao 16 - 19 tầng, trong đó 4 tầng hầm để xe, tổng diện tích sàn 25.071m2. 
Ngoài ra, chủ đầu tư này thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Đông Anh có quy mô khoảng 65 ha với tổng mức đầu tư khoảng 730 tỷ đồng; dự án khu công viên giải trí, sinh thái tại các phường Thạch Bàn, Cự Khối (quận Long Biên) có quy mô 202,55ha, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng chung và hệ thống công viên khoảng 1.000 tỷ đồng. 
Cách đây ít lâu, khi trên thị trường râm ran thông tin dự án B6 sẽ hợp khối với B7, nhiều người đã nghĩ đến vai trò của Mefrimex. Trên thực tế, nhiều cư dân nhà cũ B6 từng biết đến cái tên này, bởi vào khoảng tháng 8/2007, khi Cty ICT đang tiến hành “thương thảo” với người dân về việc thực hiện dự án, thì  một số hộ dân đã nhận được tờ photocopy công văn không có số của Cty Mefrimex nêu phương án cải tạo xây dựng nhà chung cư B6. Động thái này, với phần nội dung liên quan đến việc đền bù chênh lệch giữa các tầng nhà một cách phi lý, từng gây xáo động tâm lý người dân, khiến nhiều cư dân nhà B6 bất bình. 
Tuy nhiên, việc chủ đầu tư mới vốn là một “người cũ” cũng có thể là một tin mừng với dự án. Vì với sự quan tâm từ lâu như vậy, chắc rằng doanh nghiệp cũng đã có những toan tính chín muồi, cụ thể là cách giải bài toán lợi nhuận và chiều cao mà TCty 36 đã “bó tay”.
Hà Nội phải tạm dừng phát triển nhà ở thương mại khu vực nội đô
Trong văn bản chỉ đạo UBND TP. Hà Nội thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bất động sản mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ không cho phép triển khai các dự án không tuân thủ pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, không phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở của Tp. Hà Nội và không có đủ điều kiện hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu về dịch vụ đô thị; kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất, nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.
Đặc biệt, từ nay đến hết năm 2015, Hà Nội phải tạm dừng phát triển nhà ở thương mại trong khu vực nội đô đối với các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư dự án; thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trên toàn địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật, để xác định các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh, các dự án tạm dừng, các dự án phải dừng. 
Hà Nội hiện còn khoảng 500 đồ án, dự án “treo” do nhiều lý do. Trong Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 mới đây, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội thực hiện kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư để xác định các dự án phải điều chỉnh, dừng, tạm dừng hoặc tiếp tục được triển khai.
Thủy Linh 

Đọc thêm