Các Đại biểu (ĐB) cho biết, người dân đã chờ đợi dự án quá lâu, đời sống những hộ sống trong vùng Dự án gặp nhiều khó khăn, bởi vậy các ĐB đều mong muốn dự án sớm được thực hiện.
Sớm thúc đẩy công trình đi vào thực tế
ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho biết, dự án CHKQH Long Thành tính đến nay đã được 12 năm kể từ khi Chính phủ phê duyệt Quyết đinh 703. Do đó, nếu trễ một lần nữa thì không những lợi thế so sánh của CHKQH Long Thành bị ảnh hưởng mà áp lực về an ninh, an toàn hàng không, vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm TP HCM cũng bị ảnh hưởng theo.
“Với sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đạt 50 triệu hành khách năm vào năm 2030, với những hệ lụy kéo theo khi không xây dựng sớm Long Thành thì các vấn đề không được giải quyết, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sẽ “đội” lên rất nhiều”, ĐB Hồng lo ngại.
Cũng theo ĐB Hồng, quan trọng hơn nữa, trong gần 12 năm qua cũng vì dự án này mà UBND tỉnh Đồng Nai đã siết chặt quản lý về đất đai, xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, vật chất và tinh thần của 4.864 hộ gia đình với hơn 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức trong vùng dự án vốn đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng quan điểm, ĐB Dương Trung Quốc cho biết, từ khi về Đồng Nai với tư cách ĐBQH năm 2002, ông thấy được tất cả bức xúc không những trong tổng thể phát triển quy hoạch ở Nam bộ mà sân bay Long Thành chỉ là một dự án thành phần. Theo ĐB Quốc, trong bối cảnh mà tâm thế xã hội với các dự án lớn luôn đưa ra câu hỏi đầu tiên “có tiêu cực hay không” thì việc triển khai giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng sân bay Long Thành phải đặt cao khâu giám sát. “Vì chúng ta đã có quá nhiều dự án lớn không phải là “đầu voi đuôi chuột” mà là “đầu chuột đuôi voi”. Tức là đưa ra thì rất đơn giản, rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng thì dự án phình ra ghê gớm và tạo ra bức xúc của người dân, tạo ra nợ công”, ĐB Quốc nói và cho biết.
Theo ĐB Quốc, người dân Đồng Nai, đặc biệt là người dân ở Long Thành rất mong muốn dự án này phải sớm thực hiện. Bởi vì, 12 năm qua, lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tất cả tiêu cực xảy ra, trong khi đó dự án chờ đợi quá lâu. Vì thế, theo ông Quốc: “Chúng ta phải sớm thúc đẩy công trình này đi vào thực tế”.
Xử nghiêm hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi
Liên quan đến vấn đề tái lấn chiếm đất đai đã được rất nhiều đại biểu thảo luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng ông cũng rất quan tâm đến vấn đề này. “Tôi cho rằng việc làm thế nào để chống tái lấn chiếm là vấn đề hết sức quan trọng, từ khi có nghị quyết cho đến nay đã có rất nhiều hộ đã nhảy dù vào. Hiện nay, các ĐB cũng đã phát biểu trước QH là chúng ta đã phải bồi thường tái định cư cho cả những hộ đã nhảy dù. Tôi lo nhất khi chúng ta thu hồi và sau đó họ lại tiếp tục tái lấn chiếm thì lúc đấy rất khó giải quyết’, ĐB Nhưỡng bày tỏ lo lắng và cho rằng Tòa án của Long Thành sẽ không đủ năng lực để giải quyết các vụ kiện, bởi các vụ kiện này sẽ rất nhiều và sẽ giải quyết nhiều lần. Do vậy, ĐB đề nghị bổ sung thêm quy định: “Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã được thu hồi”.
Đồng tình với ĐB Nhưỡng, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án nếu không khẩn trương thì ngủ một đêm, sáng dậy chúng ta có thể thấy những nấm mồ mới, những loại cây trồng mới, những công trình mới, những chuồng trại mới làm phát sinh. Đặc biệt, “chúng ta áp giá thị trường, nếu không quản lý chặt, dân cư thỏa thuận hợp đồng giá đất sang đổi với nhau mà kê giá lên, sau này chúng ta áp giá bình quân sẽ tăng giá thành, đội vốn lên rất nhiều, dẫn tới những khiếu nại phát sinh, ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình đầu tư cho dự án. Tôi thiết nghĩ, Đồng Nai cũng nên cố gắng tối đa hơn nữa trong lĩnh vực này để hạn chế những thiệt hại không đáng có trong quá trình lợi dụng chính sách”, ĐB Phong đề nghị.
Dẫn con số trong các báo cáo, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho biết, ban đầu, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo giải phóng mặt bằng có hơn 13 nghìn tỷ đồng, sau đó lại báo cáo hơn 18 nghìn tỷ đồng và đến giờ Chính phủ báo cáo là hơn 23 nghìn tỷ đồng. “Đáng nói hơn, đây chỉ là con số ước tính tại tháng 7/2017 trong khi đây là dự án lớn, cần nhiều thời gian triển khai, đến khi thực tế triển khai thì có tăng nữa hay không?”, ĐB Tiến đặt câu hỏi và lo ngại khi Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu nhiều hạng mục dự toán có giá trị lớn trong khi Báo cáo của Chính phủ là ước tính, còn thiếu cơ sở tính toán. Báo cáo cũng chưa xử lý việc chi phí đền bù sẽ thay đổi theo thời gian từng năm, chưa làm rõ khả năng đáp ứng từ nguồn dự phòng phí của dự án, phương án xử lý những mâu thuẫn phát sinh về chênh lệch giá khi thu hồi đất ở những thời điểm khác nhau.
|