Năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,68%, cao hơn nhiều so với mức kế hoạch đầu năm là 6,2%. Theo phân tích của NFSC, có được mức tăng trưởng khá như vậy là nhờ khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tăng trưởng phục hồi có đóng góp của cải thiện về năng suất của nền kinh tế, thể hiện trước hết ở hệ số ICOR giảm chỉ còn 4,62 so với mức 5,2 và 5,6 của năm 2014 và 2013 và 6,4 của thời kỳ 2008 - 2012. Các yếu tố sản xuất khác (vốn và lao động) cũng tiến bộ, giúp nâng cao mức tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, tăng trưởng ngắn hạn (thành phần tăng trưởng do yếu tố chu kỳ) đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại từ quý 4/2015.
Do đó, dựa trên phương pháp phân rã tăng trưởng thành tăng trưởng dài hạn và tăng trưởng do yếu tố chu kỳ, NFSC dự báo năm 2016 mức cải thiện về tăng trưởng sẽ không cao như năm 2015.
Theo phân tích của NFSC, tăng trưởng (GDP) khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2015 ước đạt 9,64%, cao hơn nhiều so với mức 7,14% của năm 2014 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; trong khi tăng trưởng của khu vực dịch vụ hầu như không tăng và của khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm so với năm 2014 (từ 3,44% giảm xuống 2,41%).
Năm 2015, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, trong khi khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ lần lượt đóng góp 0,4 và 2,43 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số PMI bình quân năm 2015 xấp xỉ 52 điểm, tương đương với mức năm 2014 và cao hơn mức bình quân năm 2013 là 49,7 điểm.
Trong công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chuyển biến rất tích cực. Chỉ số IIP của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6% (so với mức 8,7% của năm 2014); đây cũng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011.
Cùng với đó, tiêu dùng tăng khá, khu vực doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 8,4%, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2014 (8,1%) và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ số niềm tin tiêu dùng – CCI tháng 12 do ANZ công bố ở mức 144,8 điểm, tăng 9,2 điểm so với cùng kỳ năm 2014 và ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2014.
Doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 tăng 26,6% về lượng và 39,1% về vốn (so với cùng kỳ 2014). Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2014; hoạt động xuất nhập khẩu cũng có diễn biến tích cực, đặc biệt vào nửa cuối năm 2015.
Nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 1,9%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 5% theo kế hoạch. Nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 22,7% so với cùng kỳ, tăng nhẹ so mới mức tăng 20% của năm 2014.
Theo NFSC, năm 2016 tăng trưởng GDP có một số thuận lợi như hiệp định thương mại được ký kết, đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài khả quan hơn, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ triển khai các luật mới ban hành và sửa đổi.
Tuy nhiên, các thách thức đối với tăng trưởng là không nhỏ, như: xu hướng tăng chậm lại của khu vực nông sản - thủy sản và xuất khẩu nông sản; khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.