Dự báo xuất khẩu cuối năm nhiều thuận lợi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023. Hết 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 299,6 tỷ USD, mang lại nhiều thuận lợi cho kết quả của cả năm.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có lợi thế về cuối năm. (Ảnh minh họa: Bộ Công Thương)
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có lợi thế về cuối năm. (Ảnh minh họa: Bộ Công Thương)

Trị giá xuất khẩu tăng cao ở thị trường truyền thống

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại quốc tế sôi động tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng năm 2024, trong đó, xuất khẩu (XK) được hỗ trợ lớn từ việc phục hồi nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU... Điều này tác động khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng của năm đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó XK đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,8 tỷ USD.

Trong 9 tháng năm 2024, 30 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch XK (trong đó có 7 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4% kim ngạch). Đáng chú ý, trong tổng số 45 mặt hàng XK chính, có đến 38/45 (đạt 84,4%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 92,9% tổng trị giá mặt hàng XK. Trong đó, một số mặt hàng XK chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như điện tử máy tính và linh kiện tăng 27,4%; điện thoại các loại và linh kiện 7,2%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 22,1%. Một số mặt hàng nông - lâm sản có lợi thế XK đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, như cà phê tăng 37,8%; thủy sản 9,5%; rau quả tăng 33,9%; gạo tăng 23%...

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất một số mặt hàng chủ lực tăng cao, như hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 16,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,9%; sợi dệt tăng 24,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 18,3%; vải tăng 14,3%; bông tăng 2,3%... Điều này chính là động lực cho tăng trưởng XK khi các mặt hàng nhập khẩu đều là các mặt hàng được khuyến khích.

Trị giá hàng XK tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, ở hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam, như Trung Quốc tăng 10%; kim ngạch XK sang Hoa Kỳ tăng 24,7%, đạt 89,4 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 78,5 tỷ USD tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU tăng 17%, xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỷ USD...

Nhu cầu thế giới đang tăng

Đại diện TCTK nhận định, diễn biến tình hình thế giới đều đang hỗ trợ rất tích cực cho kim ngạch XK của Việt Nam. Cụ thể, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với dự báo trước đó; cầu tiêu dùng thế giới hồi phục; lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu... Trong đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa thế giới năm 2024 tăng 3,2% so với năm 2023; thước đo thương mại hàng hóa của WTO tháng 9/2024 đạt 103,0 phản ánh thương mại hàng hóa có xu hướng tăng trong quý III/2024, do nhu cầu giao dịch hàng hóa trên thị trường thế giới tăng...

Một số thị trường chiếm tỷ trọng giá trị XK lớn của Việt Nam, như Hoa Kỳ và châu Âu (EU) đang kiềm chế được lạm phát, tăng trưởng khá tốt, sức mua tăng, kéo theo doanh thu bán lẻ hàng hóa duy trì xu hướng tích cực.

Đáng chú ý, một số nhóm ngành sản xuất định hướng XK tăng cao như các doanh nghiệp ngành may, da giầy đều tận dụng tốt các lợi thế từ thị trường đối thủ cạnh tranh như bất ổn ở Bangladesh (quốc gia lớn thứ 2 thế giới trong ngành dệt, may, da giầy), rất nhiều đơn hàng của Bangladesh đã được chuyển sang cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Bên cạnh đó, trong nước, các doanh nghiệp xu hướng sản xuất phục hồi (kế hoạch sản xuất hầu hết các doanh nghiệp tăng trưởng dương các tháng trong năm 2024); các doanh nghiệp ngành dệt may nhận đủ đơn hàng đến cuối năm 2024. Đơn đặt hàng xuất khẩu cũng có xu hướng tăng về cuối năm. Cụ thể, theo khảo sát, quý III/2024 có 29,8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn so với quý II/2024 thì quý IV, có đến 36,0% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; quý III có 22,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm thì quý IV, số lượng này chỉ còn 16,4%.

Để tiếp tục tận dụng được lợi thế từ thị trường thế giới để về đích mục tiêu của năm 2024, theo TCTK, cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy XK, khai thác tối đa thị trường thế giới. Đẩy mạnh XK sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Đồng thời triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động XK, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác XK.

Đọc thêm