Dù bị cắt giảm nhưng điện năng lượng tái tạo được khai thác cao hơn kế hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là thông tin được ông ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện (A0) - đưa ra trong cuộc báo cáo về vận hành hệ thống điện được tổ chức chiều nay (4/5/2021).  
Điện mặt trời vẫn được khai thác cao hơn kế hoạch.
Điện mặt trời vẫn được khai thác cao hơn kế hoạch.

Trong buổi báo cáo về vận hành hệ thống điện, ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện (A0) - cho biết, vào cuối năm 2019, kịch bản phê duyệt về khả năng cung ứng điện năm 2020 khá căng thẳng. Trong đó, dự tính phải huy động nguồn chạy dầu lớn (dự kiến lên đến 3,4 tỷ kWh/năm), kéo theo chi phí mua điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao.

Tuy nhiên, Covid xuất hiện đã thực sự hạ được nhiệt vấn đề nguồn cung điện. Tuy thế, trong 3 tháng đầu năm sản lượng điện chạy dầu cũng đã phải huy động hơn 1 tỷ kWh (chiếm 30% sản lượng Bộ Công Thương phê duyệt).

Cũng trong bản phê duyệt này, dự kiến sẽ huy động hơn 10 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng thực tế đã khai thác lên đến 12 tỷ kWh NLTT trong năm 2020. Năm 2021 dự kiến khai thác tổng sản lượng nguồn NLTT lên đến 32 tỷ kWh.

Cũng vì sản lượng khai thác nguồn NLTT tăng cao nên sản lượng khai thác các nguồn điện truyền thống (nhiệt điện than, thủy điện) bị xuống thấp. Ví dụ, nhiệt điện than khai thác khoảng 122 tỷ kWh, bị giảm khoảng hơn 10 tỷ kWh so với dự kiến.  

Ông Ninh cho biết thêm, về cơ bản, hệ thống điện vẫn dựa vào nguồn truyền thống than - khí và dựa vào cân bằng cung cầu để tối thiểu hóa chi phí khi vận hành.

Do đó, việc cắt giảm nguồn điện trong hệ thống thời gian vừa qua cũng phải đảm bảo cân bằng giữa các nguồn nhưng NLTT vẫn được ưu tiên khai thác tối đa. Trong khi đó, A0 vẫn phải vận hành hệ thống điện tuân thủ theo thị trường điện và các bản hợp đồng đã ký kết.

Ví dụ, trong dịp Tết vừa qua, trong thời gian từ 9h-13h hàng ngày, nguồn điện mặt trời chiếm đến 55% công suất và A0 gần như phải dừng huy động nguồn thủy điện trong giờ cao điểm (từ 11-12h hàng ngày) mặc dù việc dừng huy động nguồn thủy điện này trái với quy trình liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Dự kiến, đến mùa lũ năm nay, bắt buộc phải huy động một lượng lớn nguồn thủy điện. Do đó, cuối năm 2021, công suất NLTT sẽ bị cắt nhiều hơn so với hiện nay do nguồn nước về, phải ưu tiên chạy tối đa thủy điện trong 24h để đảm bảo an toàn mùa lũ.

Một thông tin đáng chú ý được ông Ninh đưa ra trong cuộc báo cáo chiều nay là chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, do ưu tiên huy động nguồn NLTT mà các nhà máy nhiệt điện đã phải khởi động tổ máy đến hơn 330 lần (mỗi lần khởi động lại sẽ tốn kém thêm chi phí vì phải thêm dầu vào). Con số này vào nửa cuối năm 2019 (thời điểm bắt đầu huy động nguồn điện mặt trời vào hệ thống) là 74 lần, vào năm 2020 là 190 lần. Tất cả các lần huy động lại nguồn điện đều có thể dẫn đến sự cố tăng nguy cơ sự cố tổ máy (như đã xảy ra với nhà máy Phú Mỹ 2.2; nhà máy Bà Rịa…).

Theo đại diện A0, hầu hết các chủ đầu tư nguồn nhiệt điện đều bày tỏ sự không đồng tình với việc này. Trong khi đó, EVN cũng không thể quyết định được việc huy động nguồn điện nào vì đều tuân thủ chiến lược vận hành điện đã báo cáo Bộ Công Thương.

Theo đó, thứ tự vận hành ưu tiên là các nhà máy điện đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật như điện áp, ổn định, quán tính, dự phòng điều tần, công suất cao điểm. Các nguồn huy động lần lượt là điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện ACT, thủy điện lớn đang xả sau đó đến các nguồn còn lại.

Đọc thêm